Với mục đích giúp các hộ nông dân (ND) giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, phát triển du lịch sinh thái vườn là một nhiệm vụ đang được Hội ND và các địa phương trong tỉnh hết sức quan tâm.
Đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát vùng chuyên canh cây có múi ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên Ảnh: PHÙNG HIẾU
Vận dụng tiềm năng sẵn có
Thời gian qua, nhiều hộ ND trong tỉnh đã quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho các khu du lịch, vui chơi giải trí của địa phương. Nền tảng để tỉnh Bình Dương phát triển mạnh dịch vụ du lịch chính là các làng nghề truyền thống như: gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ…, cùng với đó là các vùng chuyên canh trái cây đặc sản như: Vườn trái cây Lái Thiêu (TX.Thuận An), vùng bưởi Bạch Đằng (TX. Tân Uyên), vùng cây có múi xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên)… Bình Dương còn sở hữu nhiều địa danh, danh thắng nổi tiếng như: Nhà tù Phú Lợi; địa đạo Tam giác sắt; khu du lịch Núi Cậu; làng sơn mài Tương Bình Hiệp…
Bên cạnh đó, dự án Nâng cao năng lực cho ND phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2014-2016 đã thực hiện được 2/3 chặng đường, cho thấy việc định hướng ND giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái chính là bước đi đúng đắn của tỉnh nhà. Trong tương lai, các hộ ND sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập ngay chính khu vườn của mình thông qua các dịch vụ du lịch.
Các chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng, Bình Dương có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vườn. Để du lịch sinh thái vườn phát huy hiệu quả, trước mắt tỉnh cần đa dạng và quảng bá thông tin trên trang web chung cho du lịch sinh thái; xây dựng chiến lược giá cạnh tranh cho các dịch vụ; đồng thời có những chế tài minh bạch các vi phạm làm tổn hại tới hình ảnh du lịch của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, ngành chức năng của tỉnh cũng cần tăng cường các lớp tập huấn về du lịch sinh thái cho cán bộ chuyên trách và hộ ND; quan tâm đổi mới giống cây trồng phục vụ nhu cầu của khách du lịch…
Đào tạo ND thành doanh nhân
Lãnh đạo Hội ND cho biết, thời gian qua hội đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, học hỏi kinh nghiệm để giúp thay đổi tư duy nhận thức của giai cấp ND trong giai đoạn phát triển mới. Giai đoạn mới, tỉnh nhà đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ; còn ngành nông nghiệp sẽ chuyển hướng sang phục vụ công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch. Ngoài kỹ năng chuyên biệt như sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ, làm nghề thủ công phục vụ du khách, biểu diễn văn hóa dân gian… hội cũng đã thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cho các hội viên như: Tổ chức, hướng dẫn khách tham quan; phương pháp thuyết trình; tổ chức phục vụ du khách tại gia; du lịch nông thôn… Qua thực tế cho thấy, tất cả hộ ND tham gia các lớp tập huấn này đều rất phấn khởi, có sự chuyển biến tích cực về tư duy làm dịch vụ du lịch sinh thái vườn. Một số hộ ND tại Khu du lịch Cầu Ngang, vườn trái cây Lái Thiêu, làng bưởi Bạch Đằng… đã chủ động hơn trong việc tổ chức tour, tuyến, cách thức tiếp cận và đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu khách tham quan.
Hội ND tỉnh cũng đã tổ chức cho hội viên ND nhiều đợt đi học hỏi các mô hình du lịch hiệu quả từ các tỉnh, thành bạn để từ đó có phương pháp áp dụng tại ngay vườn cây ăn trái của mình. Dự kiến, đến năm 2016 toàn tỉnh sẽ có 8 mô hình làm du lịch sinh thái nhà vườn tại TX.Thuận An (2 mô hình), TP.Thủ Dầu Một (2 mô hình), TX. Tân Uyên (2 mô hình), TX.Bến Cát (1 mô hình) và huyện Dầu Tiếng (1 mô hình).
Các chuyên gia nhận định, Bình Dương có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển mạnh du lịch sinh thái nhà vườn. Điều quan trọng nhất là định hướng du lịch phát triển phải đi đôi với quyền lợi của các hộ ND. Tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ND nhìn được những nguồn lợi to lớn từ du lịch có thể mang lại; cùng với đó tăng cường kiến thức tiếp thị, giao tiếp, ngoại ngữ cho ND… Đây chính là cách huy động mọi nguồn lực từ ND để đưa du lịch sinh thái thành một thế mạnh của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
XUÂN VĨ