Tạo xung lực để logistics phát triển xứng tầm

Cập nhật: 15-04-2023 | 08:55:21

Công nghiệp phát triển và là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương phát triển khá nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa của các DN trong tỉnh. Tuy vậy, vẫn còn những “điểm nghẽn” mà tỉnh đang nỗ lực khơi thông để ngành logistics của tỉnh phát triển xứng tầm.


Hoạt động tại một kho ngoại quan của U&I logistics

Phát triển nhanh

Bình Dương hiện có hơn 20 kho hàng (kho ngoại quan và kho CFS) và hơn 30 đại lý hải quan đang hoạt động chủ yếu tại các khu công nghiệp và các cảng sông, ICD hiện hữu. Hệ thống kho ngoại quan, kho CFS, ICD được bố trí hợp lý, bảo đảm cung cấp kịp thời nguyên liệu nhập khẩu cho các nhà sản xuất và đáp ứng yêu cầu của các nhà xuất khẩu, được trang bị hệ thống quản lý hiện đại theo chuẩn quốc tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, logistics hiện đang là một trong những ngành được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics vào Bình Dương ngày càng có quy mô lớn hơn, mức độ chuyên môn hóa cao, cung cấp dịch vụ trọn gói và đa dạng. Hiện nay, các đơn vị như cụm cảng và trung tâm logistics, các cảng ICD, cảng Bình Dương… đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Mới đây, Lazada Logistics Việt Nam vừa chính thức khánh thành Lazada Logistics Park với tâm điểm là trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao có quy mô hiện đại bậc nhất tại KCN Sóng Thần 1. Với tổng diện tích lên tới gần 20.000m2, trung tâm phân loại mới có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ hệ thống công nghệ hiện đại gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và machine learning (học máy). Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Logistics, Lazada Việt Nam, cho biết trung tâm phân loại hàng hóa mới không chỉ là bước đột phá trong quá trình phát triển của Lazada Logistics, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành logistics thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung. Lazada Logistics sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng một hệ sinh thái logistics thương mại điện tử bền vững, thiết lập các tiêu chuẩn mới và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển chung của ngành.

Tạo xung lực mới

Tại tọa đàm “Phát triển logistics Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa” vừa qua, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho biết, TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương đang có nhiều dự án kêu gọi đầu tư về lĩnh vực logistics. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh đang có 7 dự án và Bình Dương có 5 dự án đang kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics. Các nhà đầu tư có thể đầu tư vào tất cả lĩnh vực logistics của Việt Nam, trừ 2 lĩnh vực là dịch vụ xếp dỡ trong cảng và vận tải thủy nội địa cần phải có lộ trình đầu tư.

Đánh giá về thực trạng logistics Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Đặng Vũ Thành cho biết Chính phủ đã có định hướng phát triển đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản. Do đó, việc phát triển ngành logistics cần đi đôi và song hành với sự phát triển của khu vực và đáp ứng cho hoạt động giao nhận vận chuyển xuyên suốt.

Theo dự thảo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài thúc đẩy phân phối đến các tỉnh/thành phố trong khu vực, xuất khẩu ra nước ngoài. Giai đoạn 2022-2025 có 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (ELogistics - Logistics trên nền thương mại điện tử). Hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, gồm: Cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng An Điền; nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, vẫn còn những điểm nghẽn cần phải được khai thông nhằm tạo xung lực để logistics phát triển xứng tầm, nhất là hạ tầng giao thông. Ngoài ra, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản. Do vậy, để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, Bình Dương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí; đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch các trung tâm logistics, cảng cạn kết nối vào thực tế để nhanh chóng hình thành khu vực vệ tinh cho các cảng luân chuyển hàng hóa nhanh hơn; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phát triển thị trường dịch vụ logistics; tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động logistics…

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2177
Quay lên trên