Quý II-2023, sản xuất công nghiệp đang dần hồi phục, để đạt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng khoảng 8-9%, các cấp, ngành của Bình Dương và doanh nghiệp đang tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp cũng như tăng trưởng bền vững.
Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn vào bức tranh của ngành công nghiệp vẫn thấy rõ mức độ hồi phục còn chậm. Nguyên nhân chính là cầu thế giới sụt giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, đồ gỗ... Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công do số lượng đơn đặt hàng giảm.
Về phía chính sách vĩ mô, các doanh nghiệp cũng nhìn nhận thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành, địa phương sát cánh cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn như, chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Trong đó, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại trở lại làm việc… Cùng với đó là chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí như giảm thuế VAT cho hầu hết mặt hàng từ 10% xuống 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế...
Bình Dương cũng đặc biệt chú trọng tháo gỡ các khó khăn đối với các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng. Tỉnh liên tục đề xuất bộ ngành, nỗ lực vận dụng chính sách để các dự án này sớm đi vào vận hành, đặc biệt là lĩnh vực điện, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới.
Lãnh đạo tỉnh liên tục chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để cung ứng điện cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư về điện mặt trời đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ áp, biến áp… đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
KHẢI ANH