Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của bão số 5, tại trạm đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh 20 m/s (cấp 8), giật 26 m/s (cấp 10); ở đảo Cô Tô: 20 m/s (cấp 8), giật 29 m/s (cấp 11); ở Móng Cái (Quảng Ninh): 13 m/s (cấp 6), giật 27 m/s (cấp 10); Quảng Hà (Quảng Ninh): 18 m/s (cấp 8), giật 30 m/s (cấp 11); Cửa Ông: 12 m/s (cấp 6), giật 20 m/s (cấp 8), Sơn Ðộng (Bắc Giang): 15 m/s (cấp 7), giật 20 m/s (cấp 8); Thái Bình gió giật 20 m/s (cấp 8). Ở các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, đến rất to với lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 210 mm; đảo Cô Tô (Quảng Ninh) 214 mm; Sơn Ðộng (Bắc Giang) 180 mm, Tam Ðảo (Vĩnh Phúc) 196 mm...
Tối 3-8, sau khi đi vào khu vực vùng núi Bắc Bộ, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 19 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,2 độ vĩ bắc; 105,0 độ kinh đông, trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 25 km suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, cần theo dõi trong các bản tin mưa lũ tiếp theo.
Ðây là tin cuối cùng về cơn bão số 5.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5, trên lưu vực sông Lục Nam đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước sông Lục Nam đang lên nhanh. Mực nước đo được lúc 15 giờ ngày 3-8 tại các trạm chính như sau: tại Chũ 6,27 m; Lục Nam 3,40 m. Dự báo lũ trên sông Lục Nam tiếp tục lên nhanh, sáng 4-8, mực nước có khả năng lên mức 5,50 m hơn báo động 2 là: 0,30 m. Trong khi đó, mực nước sông Thao, sông Lô và hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang xuống. Mực nước thực đo lúc 7 giờ ngày 3-8 trên sông Hồng tại Hà Nội 5,86 m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại 2,78 m. Dự báo từ ngày 3 đến 4-8, trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa và lớn, với biên độ lũ lên từ 3 đến 5 m. Mực nước sông Mê Công, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, đến ngày 6-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 2,55 m, tại Châu Ðốc lên mức 2,05 m. Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư có Công điện số 33, ngày 3-8 gửi Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội; các bộ, ngành chức năng, yêu cầu tổ chức triển khai phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều, tăng cường lực lượng canh gác, xử lý các sự cố đê phát sinh; Kiểm tra quản lý chặt và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, ngầm qua suối, yêu cầu chủ phương tiện phải bảo đảm an toàn cho khách; Chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức trực ban, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ.
Trong cơn bão số 5 vừa qua, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển đã phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.894 tàu, thuyền lồng bè nuôi, trồng thủy sản biết diễn biến của bão số 5 để chủ động phòng tránh. Bộ Y tế có Công điện số 4730 chỉ đạo các công ty dược phẩm trực thuộc bộ xuất cấp hàng phục vụ PCLB cho các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Văn phòng UBQG TKCN cho biết, lúc 7 giờ 45 phút ngày 2-8, tại khu vực cách phía nam cửa biển Rạch Gốc, Cà Mau khoảng 9 hải lý, tàu BL 93959 TS có năm thuyền viên bị sóng đánh chìm đang trôi dạt trên biển. Biên phòng Cà Mau đã điều một tàu và huy động tàu cá CM 98825 TS ra cứu nạn. Ðến 10 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã cứu năm thuyền viên bị nạn vào bờ an toàn. Theo Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, từ 13 giờ trưa 3-8, hoàn lưu bão số 5 bắt đầu gây mưa to ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh đã cử các đoàn xuống kiểm tra những vùng dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng di dời dân và bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ công tác ứng cứu khi có mưa lớn xảy ra. Dự báo trên các sông suối thuộc khu vực Tây Bắc, mức độ của lũ ở mức báo động 2 đến báo động 3.
Tại Hà Nội, ngày 3-8, địa bàn thành phố đã xảy ra mưa với lượng mưa đo được từ 29 đến 54 mm khiến một số tuyến đường bị úng ngập. Ðến 10 giờ 45 phút, các khu vực trên đã cơ bản rút hết nước, giao thông đi lại bình thường. Công ty Thoát nước Hà Nội đã huy động nhân công và máy móc, phương tiện để khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường... Trạm bơm Yên Sở, Ðồng Bông 1, Ðồng Bông 2 và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống. Tại Nam Ðịnh, bão số 5 gây mưa vừa, mưa to cục bộ trong nhiều giờ. Lượng mưa trung bình toàn tỉnh là 73,6 mm. Nhờ chủ động rút kiệt nước đệm vùng nội đồng, cho nên toàn bộ 78.300 ha lúa mùa, gần 7.000 ha cây màu hè thu không bị ngập úng. Các tuyến đê, kè xung yếu như đê Nghĩa Phúc, kè 16 đê tả Ðáy (xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng) bảo đảm an toàn.
Từ sáng sớm 3-8, tỉnh Thái Bình có mưa vừa đến mưa to, gió mạnh cấp 8 tại các huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, lượng mưa trung bình hơn 100 mm. Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp bố trí lực lượng vận hành các trạm bơm tiêu úng liên tục 24/24 giờ và tranh thủ mở các cống tiêu nước triệt để. Ðồng thời rà soát các trọng điểm xung yếu trên toàn bộ hệ thống đê sông, đê biển. Tại Ninh Bình, mưa to đã gây ngập cục bộ ở một số tuyến phố chính của TP Ninh Bình. Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi tỉnh chủ động vận hành 267 máy bơm/68 trạm đẩy nhanh việc bơm thoát nước đệm nội đồng, bảo đảm an toàn cho diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn sinh trưởng. Tại Hải Dương, mưa lớn làm nhiều cây xanh tại công viên Bạch Ðằng bị gió giật đổ, một số cây lớn bị gãy cành. Sông Thái Bình đoạn chảy qua cầu Phú Lương nước dâng cao, chảy xiết. Một số hộ gia đình thuộc phường Nam Ðồng, bị nước tràn vào nhà. Một số điểm trên quốc lộ 5 ngập nước. Mưa to trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang làm hơn 500 ha lúa bị ngập, trong đó 304 ha ngập trắng không có khả năng khắc phục, hơn 200 ha còn lại cũng có nguy cơ mất trắng nếu mưa vẫn tiếp tục. Chi cục Thủy lợi tỉnh đã chỉ đạo các công ty thủy nông thoát nước cho diện tích bị ngập. Trong khi đó, nước lũ trên các sông Cầu, Thương và Lục Nam mực nước ở mức báo động 2, có khả năng tăng nhanh, mực nước ở nhiều hồ thủy lợi đã mấp mé kè tràn.
Tại Lạng Sơn, bão số 5 làm một nhà dân bị sập đổ, 105 nhà bị tốc mái; cột tiếp sóng truyền hình ở Ðình Lập bị đổ. Ước thiệt hại ban đầu hơn hai tỷ đồng. Ban Chỉ đạo PCLB tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, trực 24/24 giờ, đến các địa bàn trọng điểm, tuyên truyền vận động nhân dân di dời khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở đất, nước sông, suối lên cao. Từ rạng sáng 3-8, do ảnh hưởng của bão số 5, địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ở các huyện ven biển gió đã mạnh dần lên cấp 5, cấp 6. Tại huyện Mường Lát, mưa to kéo dài làm sạt ta-luy âm tỉnh lộ 520, sạt móng nhà hai hộ gia đình ở bản Táo, xã Trung Lý. Lực lượng cứu hộ đã kịp thời di chuyển 30 hộ ở các xã Nhi Sơn, Pù Nhi, Trung Lý đến nơi an toàn, đề phòng lũ cuốn, sạt lở đất. Tại TP Sơn La, mưa lớn làm ách tắc năm điểm, có đoạn đường ngập khoảng 50 cm. Hàng chục ha hoa màu, ruộng lúa mới cấy bị ngập sâu trong nước. Các tuyến tỉnh lộ 110, 101, 112 đi tám xã vùng cao của huyện Mộc Châu và các xã vùng ven hồ Hòa Bình bị sạt lở cả hai phía ta-luy âm, dương làm ách tắc giao thông. Ban PCLB tỉnh đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra các hồ chứa nước, các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn, di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tỉnh Bắc Cạn đã di dời tám hộ dân ở thôn Lũng Ngù, xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn đến nơi an toàn do chân núi xuất hiện vết nứt dài đang có nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi hộ mười triệu đồng để dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống, đồng thời xây dựng phương án đầu tư làm đường giao thông, kéo điện, nước để nhân dân yên tâm sinh sống lâu dài. Theo thông tin từ TP Uông Bí (Quảng Ninh), vào lúc 14 giờ ngày 3-8, tại khu vực Ngầm Tràn, thôn Miếu Bòng, xã Thượng Yên Công, xe ô-tô tải có trọng tải năm tấn của Phân xưởng hóa chất mỏ Ðông Triều đã bị nước cuốn trôi. Lái xe, phụ xe mất tích. Lực lượng chức năng đã tìm thấy xe cách vị trí gặp nạn 300 m, hiện đang tích cực tìm kiếm nạn nhân.
Tại Lâm Ðồng, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 2-8, trên đèo Bảo Lộc thuộc quốc lộ 20, đoạn qua huyện Ðạ Huoai đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng, gây tắc nghẽn giao thông kéo dài hàng km. Ðơn vị quản lý đường bộ trên quốc lộ 20 đã dùng xe ủi san gạt khối lượng đất đá bị sạt lở và dọn dẹp số cây ngã đổ chắn ngang đường. Ðến gần 22 giờ, đoạn đường đèo bị sạt lở cơ bản đã được thông xe, các phương tiện lưu thông hai chiều bình thường. Tổng Công ty Ðiện lực miền Bắc (EVNNPC) ngày 3-8 vừa cho biết, thống kê sơ bộ thiệt hại đối với ngành điện do bão số 5 như sau: tại đường dây (ÐZ) 174 E5.5 Tiên Yên-173A13.0 NÐ Na Dương do Công ty lưới điện cao thế miền bắc (NGC) quản lý: Máy cắt 174 E5.6 nhảy bảo vệ khoảng cách pha B, C 54,8 km, hiện ÐZ chưa khôi phục được. ÐZ 173 E5.6 Tiên Yên - 172 Quang Hà - 174 E5.7 Móng Cái bị sự cố gây mất điện trạm biến áp (TBA) E5.19 Quang Hà, máy biến áp T2 E5.7 Móng Cái bị sự cố. NGC chủ động tách máy biến áp T1 E5.7 ra khỏi vận hành do thời tiết khu vực gió cấp 9 - 10. Tại Quảng Ninh, nhiều lộ ÐZ như 471, 472 E57, 473, 476, 478 E57; 373 E56... bị sự cố; ngoài ra có thêm ba ÐZ 35 kV và ba ÐZ 22 kV bị mất điện, hiện chưa khôi phục. Tại Hải Phòng, có năm lộ ÐZ 110 kV bị sự cố. Ðến nay, mới khôi phục TBA Tam Bạc 250 kVA. Tại Hưng Yên, ÐZ 482 E28.4 bị sự cố gây mất điện xã Lạc Ðạo và thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm. Trời mưa to nên chưa kiểm tra và khắc phục được. Tại Hải Dương, một số TBA trên địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Nam Sách thuộc lộ 374 E8.11 bị mất điện. Tại Thanh Hóa, lộ 975 E9.14 thuộc Ðiện lực Hoằng Hóa quản lý bị sự cố quá dòng cấp I khiến các xã Hoằng Ðạo, Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Châu, Hoằng Lưu huyện Hoằng Hóa bị mất điện.
Các đơn vị điện lực vẫn đang tích cực tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư nhanh chóng khắc phục các thiệt hại, sớm cung cấp điện trở lại cho các khách hàng.
* Tối 3-8, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, thống kê sơ bộ đến thời điểm này, bão số 5 đã làm bốn người tại Quảng Ninh và Bắc Giang bị thương.
Tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nhất với hai cột ăng-ten viễn thông và 14 cột điện hạ thế bị đổ, ba nhà dân bị đổ; 462 nhà bị tốc mái; 200 ha lúa và hoa màu bị hư hại. Ngoài ra, các tỉnh Lạng Sơn và Hải Phòng cũng có hơn 60 nhà bị tốc mái; 23 ha hoa màu bị hư hại.
Theo Nhân Dân