(BDO) Trọng tâm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Bình Dương là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Sau gần 5 năm triển khai, đến nay Bình Dương đã công nhận 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao cho 49 chủ thể, gồm 15 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã, 6 trang trại, 1 tổ hợp tác và 16 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh.
Có nhiều sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP thì thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể.
Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Bắc Tân Uyên
Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân. Qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai cho thấy, các giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là để nâng cao về năng lực quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Ngoài ra, quy mô sản phẩm OCOP của các chủ thể còn khiêm tốn, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội, đặc sắc để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm và thương hiệu OCOP của tỉnh.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3631/KH-UBND ngày 19-7-2023. Theo đó, yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai toàn diện các nội dung Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 theo hướng nâng cao hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đăng ký, đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng Chu trình OCOP và kế hoạch của UBND tỉnh. |
Ông Văng Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP, thời gian qua chi cục thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý điều hành cấp huyện, xã và chủ thể tham gia chương trình trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thành phần tham dự là lãnh đạo phòng kinh tế, lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn và các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP với hàng ngàn lượt người tham dự. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tổ chức các lớp kỹ năng bán hàng thương mại điện tử cho chủ thể OCOP có sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao và chủ thể tiềm năng.
Các đại biểu tham gia buổi tập huấn
Gần đây nhất, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp tổ chức tập huấn phần mềm chấm điểm Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương cho các cán bộ quản lý, điều hành các cấp tham gia vào quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
“Thông qua hội nghị này nhằm hỗ trợ cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP các cấp tuân thủ quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt hiệu quả, chất lượng, rõ ràng, minh bạch hồ sơ tham gia của chủ thể; đồng thời, tạo điều kiện cho cơ quan các cấp lưu giữ, chuyển hồ sơ một cách có hệ thống. Song song đó, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp tổ chức triển khai tập huấn phần mềm chấm điểm Chương trình OCOP cho các cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP các cấp tham gia vào quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, ông Văng Phước Hậu chia sẻ thêm.
Nội dung và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025: Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy về chương trình OCOP; phát triển sản phẩm OCOP; nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá, công bố và kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hỗ trợ quảng bá, nâng cao chất lượng, thương hiệu OCOP; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ; hệ thống các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. |
Thoại Phương - Hải Dương