Tập trung phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại

Cập nhật: 26-12-2016 | 09:27:36

Trong giai đoạn 2010-2015, công tác quy hoạch phát triển đô thị được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư, huy động có hiệu quả các nguồn vốn của nhiều thành phần kinh tế, tạo tiền đề để đô thị Bình Dương văn minh, giàu đẹp.

Diện mạo đô thị mới tại thành phố mới. Trong ảnh: Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương Ảnh: Q.CHIẾN

Trong giai đoạn này, Bình Dương thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, có tầm nhìn chiến lược gắn với quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và song hành với quá trình công nghiệp hóa. Đây là bước đột phá mạnh trong giai đoạn này, làm thay đổi cơ bản diện mạo của Bình Dương, được nhiều tỉnh trong cả nước nghiên cứu, học tập. Bình Dương đã xây dựng các chương trình đột phá, chương trình trọng điểm trong các lĩnh vực, trong đó có Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Để thực hiện thắng lợi các phương hướng, nhiệm vụ phát triển đô thị, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Trong phát triển hệ thống đô thị, Bình Dương lấy khu đô thị mới tại 2 phường Hòa Phú và Phú Tân làm trung tâm; hỗ trợ phát triển các đô thị vệ tinh trong vùng góp phần bảo đảm hài hòa phát triển giữa các đô thị. Đối với việc cải tạo và chỉnh trang đô thị, Bình Dương tập trung xây dựng và phát triển nhiều loại hình nhà ở đa dạng như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên...

Về phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, tỉnh đã thực hiện chủ trương khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Bên cạnh đó, tỉnh thu hút mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối với hệ thống giao thông của quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... Trong giai đoạn này Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương được hoàn thiện với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên hoàn với khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một minh chứng cho quan điểm phát triển đô thị Bình Dương. Trung tâm Hành chính tỉnh, các công trình về dịch vụ, đô thị, giáo dục… được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo sự lan tỏa và kết nối đến các trung tâm đô thị vệ tinh của tỉnh. Đặc biệt, chủ trương xây dựng Trung tâm Hành chính đã được tỉnh thực hiện quyết liệt với mục tiêu mang đến các dịch vụ công một cách thuận tiện và hiệu quả nhất. Trung tâm Hành chính tỉnh được thiết kế gồm 2 tòa nhà 21 tầng. Trong đó, từ tầng 2 đến tầng 20 được bố trí khu vực làm việc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Toàn bộ diện tích tầng 1 (4.000m2) của tòa nhà trung tâm hành chính được dành riêng cho khu hành chính mở; phần lớn diện tích được bố trí và tổ chức thực hiện theo Đề án tổ chức Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tập trung cấp tỉnh. Điều này tạo sự đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ về cơ chế, phương thức, hình thức tiếp nhận và giải quyết nhu cầu giao dịch hành chính giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh Bình Dương. Song song đó, nhiều công trình tạo lực có tác dụng thúc đẩy phát triển đô thị đã được đầu tư xây dựng như đường ĐT744, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT741... Mặt khác, hạ tầng kỹ thuật về thoát nước, cấp nước, cấp điện… cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu của phát triển đô thị.

Cũng trong giai đoạn này, chủ trương chỉnh trang đô thị được chú trọng thực hiện. Tỉnh đã tập trung cho việc nâng cấp đô thị và được Trung ương công nhận TP.Thủ Dầu Một đạt tiêu chí đô thị loại II; TX.Thuận An và TX.Dĩ An thực hiện thủ tục đề nghị công nhận đô thị loại III; TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên đạt tiêu chí đô thị loại IV. Không gian đô thị được phát triển về phía Nam, phía Bắc và trung tâm với chùm đô thị và đô thị vệ tinh liên kết chặt chẽ với nhau; hạ tầng kỹ thuật - xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong khi đó, 2 huyện mới thành lập làBàu Bàng và Bắc Tân Uyên cũng được tập trung đầu tư trung tâm hành chính huyện lỵ...

Có thể thấy, với quan điểm đúng đắn, nhất quán trong thực hiện, đô thị Bình Dương trong giai đoạn 2010-2015 đã bảo đảm phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; tạo tiền đề cho quá trình phát triển lên thành đô thị loại I trong thời gian tới.

 

 CAO SƠN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=531
Quay lên trên