Thách thức từ hội nhập- Kỳ 1

Cập nhật: 16-05-2016 | 11:48:36

Kỳ 1: Sức ép thị trường bán lẻ

Hiện nay, trên thị trường bán lẻ trong nước, các doanh nghiệp Thái Lan hiện diện ngày càng nhiều. Ngay trong khối ASEAN, thị trường nội địa còn gặp sức ép lớn từ Indonesia, thậm chí là Camphuchia, Lào ở các mặt hàng nông sản. 


Sức nóng từ thị trường bán lẻ đang hiện hữu. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Big C Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: THANH HỒNG

Hàng ngoại có mặt khắp siêu thị

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở Bình Dương, nhiều người dễ nhận thấy là số lượng hàng ngoại nhập đang có mặt ở hầu khắp các kệ trưng bày. Động thái mua Metro của tỷ phú người Thái mới đây đang chứng minh cho tham vọng của các doanh nghiệp nước ngoài muốn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Điều các doanh nghiệp trong nước đang rất lo lắng chính là hàng Thái sẽ phủ rộng khắp cả nước, buộc các nhà phân phối hàng hóa Việt Nam thu hẹp thị trường hoặc phải bắt tay làm kênh phân phối hàng cho người Thái.

Ông Trần Thành Tâm, Giám đốc một công ty chuyên thu mua nông sản tại Bình Dương chia sẻ, không riêng gì Thái Lan, khi người Nhật Bản hay Hàn Quốc sở hữu được hệ thống siêu thị tại Việt Nam thì họ sẽ tăng cường bán hàng hóa từ nước mình. Có thể thấy, nhiều trung tâm thương mại tại Bình Dương hiện nay do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kéo theo hàng ngoại nhập cũng tăng mạnh. Sức ép thị trường bán lẻ ngày càng đặt nặng không những cho hệ thống phân phối hàng Việt, mà còn tạo ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Riêng mặt hàng nông sản, vốn trước đây được nhiều người cho rằng là thế mạnh của nước ta, nhưng hiện nay đây lại là mặt hàng chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt, mà phần thua thiệt vẫn thuộc về những người nông dân trong nước. Thực tế cho thấy, Việt Nam luôn nằm trong tốp nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng giá trị gạo trong nước vẫn thua xa các nước như Thái Lan, thậm chí cả Campuchia… Campuchia là nước xuất khẩu gạo đi 53 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như EU, Mỹ… Nói ra để thấy rằng, nguy cơ gạo Campuchia chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, bởi hạt gạo từ nước bạn được đánh giá chất lượng hơn hẳn gạo Việt.

Người Việt vẫn làm khó hàng Việt

Động thái nâng mức chiết khấu, thu thêm 15 loại phí của Big C vừa qua cho thấy, kênh phân phối bán lẻ đang là trở lực chính cho hàng Việt ngay tại thị trường nội đia. Để bảo vệ hàng Việt, vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có văn bản kiến nghị về mức tăng chiết khấu cũng như các loại phí với Big C. Tuy nhiên, động thái này theo ý kiến của nhiều chuyên gia vẫn không phải là biện pháp căn cơ, lâu dài.

Các chuyên gia cho rằng, trong tình hình có nhiều chuỗi siêu thị bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài thì việc bảo vệ hàng Việt ngay tại sân nhà cần có những biện pháp hiệu quả hơn. Bởi nhà đầu tư ngoại sẽ bán hàng hàng hóa của nước họ là một xu thế tất yếu. Điều cần làm hiện nay đối với sản phẩm sản xuất trong nước chính là xây dựng chuỗi siêu thị dành riêng cho hàng Việt.

Ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương chia sẻ, Co.opmart vẫn ưu tiên thu mua hàng hóa do người Việt sản xuất để phân phối lại. Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng hàng hóa ngoại nhập thì bản thân mỗi doanh nghiệp phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Sẽ rất khó cho hàng Việt cạnh tranh nếu bản thân mỗi doanh nghiệp không đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Một khó khăn nữa là, cơ chế thu mua hàng hóa ở nước ta hiện còn gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa. Cụ thể, mỗi sản phẩm được sản xuất khi đưa tới tay người tiêu dùng đã bị đẩy giá lên cao do qua nhiều khâu trung gian trong quá trình thu mua. Điều đó cho thấy, chính người Việt đang làm khó hàng hóa Việt. Ông Nguyễn Thành Kiên, Giám đốc chuỗi cửa hàng rau quả sạch Bình Dương cho biết, nông sản sạch của ông rất khó chen chân vào các siêu thị, bởi muốn vào được hệ thống siêu thị ông phải “chung chi” cho bộ phận thu mua của doanh nghiệp đó. Ngoài ra, mỗi sản phẩm lọt vào siêu thị, doanh nghiệp sản xuất còn bị “giữ vốn” 3 - 6 tháng từ nhà phân phối. Trong kinh doanh, đồng vốn xoay vòng không kịp sẽ dễ dàng đưa doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản.

Kỳ 2: Liên kết nâng cao sức cạnh tranh

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên