Thảm họa ở Nhật Bản - tổn hại lớn nhất trong lịch sử thế giới

Cập nhật: 24-03-2011 | 00:00:00

Chính phủ Nhật Bản hôm qua (23-3) cho biết, tổn thất gây ra do trận động đất kèm sóng thần kinh hoàng hôm 11-3 ở nước này có thể lên tới con số khổng lồ 309 tỉ USD. Như vậy, đây là thảm họa thiên nhiên gây tổn thất về vật chất lớn nhất trong lịch sử thế giới.

 

 Nhiều người dân Nhật Bản vẫn ngỡ mình nằm mơ khi chứng kiến cảnh tàn phá kinh hoàng trước mắt sau thảm họa kép ngày 11-3. Trận động đất mạnh tới 9 độ richter kèm theo những con sóng thần cao tới 14m đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp trên khắp khu vực đông bắc Nhật Bản. Theo ước tính của Văn phòng Nội các Nhật Bản, sự tàn phá trên diện rộng đối với hàng loạt nhà cửa, đường xá, trường trạm, các cơ sở kinh doanh, nhà máy... trên khắp 7 quận ở đông bắc Nhật Bản đã làm nước này mất số tiền khổng lồ từ 16 nghìn tỉ yên (198 tỉ USD) đến 25 nghìn tỉ yên (309 tỉ USD). Con số này có thể làm giảm 0,5% tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản trong năm nay.

 

Con số tổn thất mà chính phủ Nhật Bản đưa ra ở trên cao hơn đáng kể so với ước tính của các tổ chức khác. Ngân hàngThế giới hồi đầu tuần ước tính, tổn thất vật chất gây ra từ thảmhọa kép ở Nhật Bản là vào khoảng 235 tỉ USD trong khi Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính con số khoảng 200 tỉ USD.

 

Tất cả những con số ước tính ở trên đều cho thấy tổn thật trong thảm họa kép ở Nhật Bản vượt qua cả tổn thất kinh hoàng của trận bão Katrina ở Mỹ cách đây 6 năm. Khi đó, trận siêu bão khủng khiếp càn quét New Orleans và những vùng xung quanh đã gây ra mức tổn thất lên tới 125 tỉ USD.

 

Con số tổn thất 309 tỉ USD mà chính phủ Nhật Bản vừa đưa ra là chưa bao gồm ảnh hưởng từ tình trạng thiếu điện gây ra do sự cố ở nhà máy hạt nhân của nước này. Có nghĩa, sự tổn thất cuối cùng còn có thể lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, Nhật Bản cũng chưa tính đến những ảnh hưởng toàn cầu mà trận động đất kèm theo sóng thần ở nước này gây ra.

 

"Hậu quả của những thảm họa kinh hoàng ở Nhật Bản rõ ràng sẽ làm thay đổi nền kinh tế trong nước Nhật Bản. Tuy nhiên, với vị thế là một nền kinh tế lớn trên toàn cầu, chắc chắn những cú sốc mà nền kinh tế Nhật Bản phải hứng chịu sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các nước khác trên thế giới" - ông Takuji Aida, một nhà kinh tế Nhật Bản, đã nhận định.

 

Trận động đất kèm sóng thần hôm 11-3 ở Nhật Bản đã phá hủy gần như tất cả những thành phố, thị trấn, làng mạc nằm dọc bờ biển phía đông bắc nước này, hàng nghìn người đã thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng. Hàng chục ngàn người sống gần nhà máy hạt nhân đã phải đi sơ tán.

 

Nhiều phương tiện dịch vụ thiếu điện, nhiều nhà máy phải đóng cửa và hệ thống tàu hỏa gần như tê liệt. Tập đoàn Toyota – nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã phải hoãn sản xuất từ ngày 14-3. Tính đến ngày Chủ nhật (20-3), Toyota đã mất 140.000 chiếc xe hơi do tình trạng nhà máy ngừng hoạt động.

 

Tokyo đang có kế hoạch cung cấp những khoản vay lãi suất thấp lên tới 122 tỉ USD cho các công ty con của tập đoàn này để giúp họ khôi phục sau những tổn thất gây ra từ thảm họa kép.

 

Một báo cáo kinh tế khác của Văn phòng Nội các Nhật Bản còn nhấn mạnh những thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt sau thảm họa kép trong bối cảnh nước này đang trên con đường hồi phục kinh tế bắt đầu từ cuối năm ngoái.

 

"Nền kinh tế Nhật Bản đang tiến tới sự phục hồi nhưng sự bền vững vẫn còn đang rất yếu", bản báo cáo trên cho biết. Nói tóm lại, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào tình trạng trì trệ trong suốt hai thập kỷ qua. Nước này đã để mất vị trí nền kinh tế số hai thế giới vào tay Trung Quốc hồi năm ngoái. Nhật Bản còn đang phải gánh một món nợ công khổng lồ ở mức 200% GDP. Đây là khoản nợ lớn nhất trong các nước công nghiệp hóa.

 

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=378
Quay lên trên