Nhận hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp, sau một thời gian anh nhận thấy chất lượng bữa ăn khá bấp bênh nếu mua rau chợ. “Tận dụng lợi thế con nhà nông”, anh đã làm mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) cung cấp thực phẩm sạch cho khách hàng.
Đó là cách làm của anh Lê Quang Hoàng, quê Thái Bình, chủ Nhà hàng Bạch Đằng (ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên). Anh còn là chủ cơ sở cung cấp thức ăn cho các nhà máy, trường học bán trú. Chị Nguyễn Thị Thảo, vợ anh, quê ở Quảng Trị, trước đây là giáo viên nhưng sau này nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con cái và phụ chồng kinh doanh.
Từ ruộng chuyên canh lúa nước, anh Hoàng cải tạo thành mô hình VAC và kinh doanh rất hiệu quả. Ảnh: Q.NHIÊN
Anh Hoàng cho biết, quãng thời gian lập nghiệp ở Bình Dương cũng lắm nhọc nhằn. Học kế toán xong, có người “đánh tiếng” lo việc ở quê phải tốn 20 triệu đồng, anh xin cha mẹ số tiền đó nhưng… để vào Nam lập nghiệp. “Những năm 1995, 1996 bố mẹ tôi làm ruộng, chắt chiu dành được chừng đó tiền là cả một kỳ tích”, anh Hoàng chia sẻ. Thế nên anh nhất định phải “ăn nên làm ra” để không phụ lòng cha mẹ.
Anh Hoàng đến Khánh Bình, TX.Tân Uyên mua đất để dành mai sau cất nhà, rồi xin làm kế toán cho một công ty nước ngoài. Dành dụm được ít tiền, anh hùn hạp với bạn bè nhận nấu suất ăn công nghiệp cung cấp cho các công ty. Đất có sẵn, anh xây phòng trọ cho thuê và đón cha mẹ vào ở cùng vợ chồng anh. Khi cơ sở ở Khánh Bình đã ổn định, anh mở rộng hướng kinh doanh sang xã Bạch Đằng bởi “ở đây yên bình, tôi thích cảnh làng quê với sông nước hữu tình nên chọn làm nơi kinh doanh nhà hàng, làm VAC cho thỏa chí về với ruộng vườn của mình”.
Mê làm nông nghiệp nên anh dành dụm mua hơn 14.000m2 ruộng lúa nước để cải tạo thành vườn. Giờ ai đến mảnh đất này cũng trầm trồ khen ngợi về sự đổi thay của một mảnh ruộng thuần lúa trước đây. Anh bao bờ, thuê nhân công đào ao thả cá, nuôi vịt. Đất đào lên được đắp thành luống để trồng rau màu; đủ thứ rau từ cải, mồng tơi cho đến bầu, bí… được trồng trong nhà lưới lên xanh tươi, mát mắt. Cạnh đó là dãy chuồng để nuôi heo rừng lai, gà ta và có khi còn nuôi bò để cung cấp thực phẩm tươi.
Theo anh Hoàng: “Tôi tận dụng những lợi thế của vùng đất Bạch Đằng như giống gà ta rất ngon, bưởi đặc sản để giới thiệu, cung cấp cho khách hàng”. Anh Nguyễn Đình Sơn, người trực tiếp phụ trách nông trại của anh Hoàng cho biết, từ ngày canh tác rau màu và chăn nuôi, không chỉ có đủ thực phẩm cung cấp cho nhà hàng Bạch Đằng, bán cho các trường học mà những lúc cao điểm thời vụ còn bán ra bên ngoài. Rau trồng giàn lưới, có hệ thống phun tự động theo mô hình rau sạch, ăn ngọt hơn, an toàn hơn rau mua chợ nên mọi người rất thích dù giá cả có cao hơn; thường thì khoảng 30.000 -35.000 đồng/kg rau tùy loại.
Mô hình VAC của anh Hoàng còn giải quyết việc làm cho gần 10 nhân công. Anh Nguyễn Văn Mạnh, quê ở An Giang, làm công cho anh Hoàng hơn một năm nay cho biết, ở dưới quê làm ruộng nên lên đây cũng nhanh chóng thích nghi với yêu cầu của việc làm vườn, chăn nuôi. Tiền công khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng cộng thêm được chủ bao ăn, ở nên có thể dành dụm để lo cho gia đình. Một số lao động nữ đang làm việc ở đây cũng cho biết thêm, với tuổi của họ khó xin việc vào các công ty, xí nghiệp nên làm vườn là rất phù hợp.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm mô hình VAC của mình, anh Hoàng cho biết, để đầu tư cho mô hình này ngoài diện tích đất sẵn có cần hơn 1 tỷ đồng mới “ra tấm ra miếng” như thế. Anh làm với mục đích cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho nhà hàng, trường học… Mới hơn một năm nhưng mô hình này, theo anh, là hiệu quả bởi vừa chủ động nguồn hàng vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
QUỲNH NHIÊN