Thời gian qua, bên cạnh tập trung phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ, huyện Bàu Bàng cũng chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm nông sản có thế mạnh của huyện nhà.
Một trang trại cây có múi tại huyện Bàu Bàng. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có
Hiện nay, toàn huyện Bàu Bàng có hơn 120 ha trồng cây ăn trái có múi như cam, quýt, bưởi. Để khai thác có hiệu quả và từng bước khẳng định thương hiệu trái cây Bàu Bàng, vừa qua huyện đã ra mắt Ban vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) các trang trại cây có múi nhằm quy tụ các trang trại, hộ trồng cây có múi cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng phát triển cho cây có múi.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, CLB này là nơi quy tụ những người trồng cây có múi trên địa bàn huyện để các hội viên có điều kiện phát triển vườn cây tốt hơn cũng như tạo dựng thương hiệu cây có múi của huyện nhà.
“Cây có múi là loại cây ăn trái cho năng suất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng đây cũng là loại cây trồng khó tính, phải nhạy bén, không ngừng tìm tòi, học hỏi để nắm vững kỹ thuật. CLB là nơi để các trang trại, nhà vườn, những người đam mê trồng cây có múi cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác phi lợi nhuận và tìm hướng phát triển cho cây có múi trên địa bàn huyện”, ông Lê Văn Phấn, Trưởng ban vận động thành lập CLB nói.
Góp phần nâng cao giá trị nông sản
Mặc dù trên địa bàn huyện Bàu Bàng, số hộ trồng cây có múi khá nhiều nhưng chỉ có một số trang trại, nhà vườn áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch (VietGap) như trang trại bưởi Thanh Thủy, trang trại Chín Phấn, trang trại Ba Châu… cho hiệu quả cao, tham gia xuất khẩu và sản phẩm có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn như Metro, Lotte, Co.op Mart…
Bà Tuyết cho biết, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bàu Bàng nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, huyện sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện, trong đó có cây ăn trái có múi. Trước mắt, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức những buổi hội thảo để tuyên truyền cho các hộ trồng cây có múi trên địa bàn huyện tham gia CLB để sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm nhằm cải tạo vườn cây hiện tại cho năng suất cao và từng bước áp dụng các tiêu chuẩn VietGap. Trong thời gian tới, hội phát triển thêm diện tích bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Trừ Văn Thố với 34 ha và xã Lai Uyên 7 ha.
Bên cạnh đó, huyện Bàu Bàng cũng đang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Bảo vệ thực vật… hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như các yêu cầu, bước triển khai sản xuất theo hướng VietGap. Từ đó nâng cao giá trị nông sản và từng bước xây dựng thương hiệu trái cây huyện Bàu Bàng.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng khẳng định, phát triển cây có múi là một trong những chương trình đột phá của huyện trong phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao. Trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt đối với các sản phẩm sản xuất trong nước, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Do đó, việc thành lập Ban vận động thành lập CLB các trang trại cây có múi sẽ giúp cho việc trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, liên kết với nhau để nâng cao giá trị cây có múi, từng bước xây dựng thương hiệu cây có múi huyện Bàu Bàng cũng như tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm này.
HOÀNG PHẠM