Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động kiểm soát dịch sởi, sốt xuất huyết gia tăng

Cập nhật: 23-11-2024 | 16:32:47

Trước tình hình dịch sởi, sốt xuất huyết gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, các địa phương đang tập trung nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh để hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong.


Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, dịch sởi, sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước tình hình đó, các địa phương đang tập trung nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh để hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, sốt xuất huyết nhằm chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng.

Dịch sởi, sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận gần 115.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.

Tuy nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 3 bệnh viện nhi lớn là Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 thời gian qua liên tục ghi nhận ca sốt xuất huyết trẻ em.

Nhiều ca nhập viện trong tình trạng nặng, suy đa tạng, nguy kịch do chủ quan.

Trên địa bàn Thành phố, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 46 (từ ngày 11-17/11) là 12.013 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức.

Thống kê của ngành Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã ghi nhận hơn 2.245 ca bệnh sởi, phân bổ ở cả 11 huyện, thành phố. Cùng thời điểm này, năm 2023, Đồng Nai chỉ có 3 ca bệnh sởi, không có ca tử vong.

Thành phố Biên Hòa là địa phương có số ca mắc sởi nhiều nhất với 863 ca, tiếp đến là huyện Trảng Bom 452 ca và huyện Vĩnh Cửu 224 ca.

Thực tế, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi với khoảng 80.000 người đã được tiêm, đạt hơn 97% tổng số đối tượng theo đăng ký của các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn cao.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, 91,5% số ca mắc bệnh chưa được tiêm vaccine cho thấy vẫn còn sót nhiều đối tượng trong cộng đồng chưa được thống kê danh sách và tiêm vaccine sởi trong chiến dịch.

Sở Y tế Đồng Nai đang chỉ đạo các đơn vị rà soát đối tượng để tiêm vào các đợt tiếp theo; đồng thời chuẩn bị đầy đủ hậu cần như vaccine, tổ chức tiêm vaccine cho những đối tượng chưa có miễn dịch.

Dịch sốt xuất huyết cũng đang có chiều hướng tăng cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và ghi nhận nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, cộng dồn số ca mắc từ đầu năm 2024 đến nay là 6.233 ca, tăng 36,57% so với cùng kỳ năm 2023 (4.564 ca).

Theo bác sỹ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm,Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, nguyên nhân số ca mắc sốt xuất huyết tăng là do các huyện, thành phố ở Đồng Nai tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, người dân dù tích cực tham gia diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường nhưng các hoạt động này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên và triệt để.

Tại tỉnh Bạc Liêu, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 393 ca mắc sởi (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 16 ca); tập trung nhiều tại thị xã Giá Rai với 113 ca, thành phố Bạc Liêu 81 ca.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu nhận định dịch bệnh sởi đang có xu hướng tăng. Dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu Phạm Văn Tùng cho biết, sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi và virus rubella gây ra, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của trẻ như: viêm phổi, viêm màng não… Việc triển khai tiêm phòng diện rộng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, còn giúp ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

Tăng cường biện pháp phòng, chống lây lan trong cộng đồng

Hiện Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản tham mưu trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quyết định công bố dịch sởi trên quy mô toàn tỉnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, sau khi ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi tại thành phố Biên Hòa, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa tiến hành khử trùng bề mặt tại nhà bệnh nhân và các gia đình xung quanh bằng xà phòng/các dung dịch sát khuẩn thông thường/dung dịch khử trùng; tăng cường thông khí, ánh sáng tự nhiên nhà ở bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào.

Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai đề nghị Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa tiếp tục phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học trên địa bàn rà soát học sinh trong độ tuổi tiêm chủng sởi (dưới 10 tuổi) để tiêm đủ, tiêm đúng vaccine sởi, sởi/rubella.

Thực tế, bệnh sởi lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Do đó, người dân không được chủ quan. Các bác sỹ khuyến cáo, các gia đình cần đưa trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ hai mũi vaccine sởi đến trạm y tế trong khu vực hoặc các trung tâm tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm phòng, tránh để mắc bệnh, bệnh nặng và có nguy cơ tử vong.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh vừa có công văn đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, chủ động kiểm soát, ngăn ngừa bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng.

Sở Y tế Tây Ninh hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Đơn vị khẩn trương tổ chức tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi.

Sở Y tế bảo đảm hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; đảm bảo vaccine khi công bố dịch sởi; thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=773
Quay lên trên