Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh ngày càng lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung. Song đa phần DN chưa tham gia được liên kết ngành, chủ yếu cung cấp các phụ liệu và dịch vụ hỗ trợ bên ngoài.
Sản xuất tại Công ty Cicor Việt Nam (VSIP I, TP.Thuận An)
Hợp tác để phát triển
Theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Dương là tỉnh có độ mở nền kinh tế lớn, nhiều DN sản xuất đều mong muốn phát triển và hướng đến xuất khẩu để tạo dựng thương hiệu, nâng tầm DN. Trong những năm qua, cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đã từng bước đưa sản phẩm, hàng hóa hội nhập sâu với thị trường quốc tế và tìm cách để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Một số DN đầu ngành và cả những DN tầm trung đã xây dựng quy trình sản xuất. Bình Dương luôn nằm trong top các địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước, cùng với TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh. Sựphát triển của CNHT đãbước đầu hình thành liên kết sản xuất giữa các DN trong nước vàDN vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, dù đã tăng mạnh nhưng số lượng DN ở lĩnh vực CNHT vẫn chưa đủ, còn thiếu DN hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như, khuôn, đúc, nhựa… Chưa hình thành được chuỗi cung ứng nội địa hoàn chỉnh, khó có thể đáp ứng các đơn hàng đòi hỏi gia công nhiều công đoạn. Cùng với đó, các DN bị động trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng do thiếu thông tin về những yêu cầu mới của các DN FDI.
Bà Đinh Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Đức Kim Tinh (TP.Dĩ An), cho biết công ty thành lập năm 2013 từ một cơ sở sản xuất nhỏ dựa trên ngành nghề truyền thống lâu đời của gia đình. “Đến nay, công ty đã trở thành một trong những DN có tiếng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đúc kim loại như các chi tiết máy, bộ phận máy móc phụ trợ cho ngành công nghiệp xuất khẩu và phục vụ các dự án cao cấp trong nước. Tuy vậy, để thâm nhập vào các DN sản xuất lớn, DN FDI ở địa phương là điều không dễ dàng. Đối với các nước có vốn đầu tư lớn ở địa phương, thời gian qua họ đều có những DN trong chuỗi sản xuất của mình. Do đó, các DN Việt rất khó chen chân nếu không có sự kết nối và đạt các tiêu chuẩn khắt khe mà đối tác đưa ra”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.277 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT, đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày; 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao… |
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN này cho biết càng không thể “đứng ngoài lề” trước máy móc, thiết bị, công nghệ mới. Lựa chọn những máy móc, thiết bị, công nghệ mới, hiện đại nhằm giúp mang lại giá trị gia tăng, giảm chi phí vận hành cũng như tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, thu hút thêm khách hàng tiềm năng, khai thác tối ưu các thị trường khó tính như thị trường Nhật, Mỹ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)...
PGS.TS. Nguyễn Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.Hồ Chí Minh, đánh giá rằng Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển chuỗi cung ứng do các khu công nghiệp kề nhau, địa bàn không quá rộng lớn. Song với phương châm muốn đi xa hãy đi cùng nhau, các DN trong từng ngành trước tiên hãy tăng cường cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, trao đổi khoa học công nghệ, thúc đẩy xúc tiến thương mại, mang lại nhiều hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho việc định vị công nghiệp Bình Dương trong giai đoạn mới. Từ đó, các DN có thể cùng nhau tìm cho mình một hướng đi mới, tham gia vào chuỗi cung ứng, kết nối với các đối tác nhằm tìm con đường lớn.
Cần chính sách hỗ trợ
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Cicor Việt Nam (VSIP I) cho biết “Để các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhanh chóng tham gia được chuỗi cung ứng sản xuất, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, thị trường. Trong đó, cần quy hoạch, phát triển các khu CNHT gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các DN trong nước với chi phí, chính sách hợp lý. Ngoài ra, Nhà nước nên có chiến lược dài hạn, cụ thể, nhất quán, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với điều kiện đất nước để các DN yên tâm đầu tư phát triển”.
Theo bà Đinh Thị Kim Nhung, sản phẩm của công ty được đánh giá cao trên thị trường nhưng công ty vẫn còn gặp rào cản trong quá trình mở rộng sản xuất. Đơn cử là mặt bằng sản xuất, nếu thuê trong khu công nghiệp chi phí rất cao, ít DN đủ khả năng.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết thời gian qua, các cấp, các ngành Bình Dương đã nỗ lực kết nối thị trường cho DN, đặc biệt là kết nối với các tập đoàn, đối tác FDI tại địa phương thông qua hội nghị giao thương với các hiệp hội DN FDI. Về năng lực cạnh tranh, các DN trong nước, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ, hiện đang thiếu nguồn vốn, công nghệ, và cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng. Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ nỗ lực để hỗ trợ DN kết nối, phát triển năng lực cạnh tranh.
TIỂU MY - CẨM TÚ