Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực tăng trưởng

Cập nhật: 01-03-2021 | 09:06:05

Do có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc phát triển hạ tầng giao thông - vận tải (GT-VT) của Bình Dương chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), công nghiệp, đô thị. Việc thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực lớn, giai đoạn 2015-2020, Bình Dương đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm phục vụ kết nối với các tỉnh lân cận, cũng như hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của tỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy việc phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển KT-XH, công nghiệp, đô thị của tỉnh, nhưng đã phần nào giải quyết được một số tồn tại những năm trước đây. Đến nay, hệ thống hạ tầng GT-VT của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị… Những công trình như Mỹ Phước - Tân Vạn; ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành, Thủ Biên - Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2, đường ĐT743… đã từng bước thay đổi diện mạo của tỉnh, giúp rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa Bình Dương với các vùng lân cận. Bên cạnh đó, nhiều dự án của Trung ương đang được đầu tư trên địa bàn tỉnh như đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... cũng góp phần tăng quỹ đất dành cho giao thông của tỉnh một cách đáng kể; đồng thời thúc đẩy KT-XH phát triển và diện mạo của Bình Dương ngày càng khang trang, hiện đại.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh đã xác định, tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương là 1 trong 4 chương trình đột phá. Tập trung phát triển hệ thống GT-VT tỉnh Bình Dương, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Trong đó, tập trung đầu tư những dự án giao thông trọng điểm, huyết mạch, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển. Để đạt được những mục tiêu này, cần rất nhiều nguồn lực cũng như sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân.

Theo lãnh đạo tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị của tỉnh nhằm tạo động lực cho KT-XH của tỉnh phát triển bứt phá. Theo đó, Sở GT-VT tích cực phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch đầu tư công của Trung ương và của tỉnh, bao gồm: Cải tạo, mở rộng quốc lộ 13, hoàn thành đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, 747B, 743, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; các cầu kết nối Tây Ninh, Đồng Nai; đường vành đai 3, vành đai 4, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh); các tuyến kết nối các cảng theo quy hoạch, các cửa ngõ giao thông phía nam của tỉnh kết nối với TP.Hồ Chí Minh (đường từ cầu vượt Sóng Thần đến Phạm Văn Đồng, Mỹ Phước - Tân Vạn ra xa lộ Hà Nội, ĐT743 đến Gò Dưa)…

Tin rằng, với những mục tiêu cụ thể và việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị của tỉnh trong thời gian tới sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực cho KT-XH của tỉnh tăng trưởng, bứt phá.

NGỌC THANH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=343
Quay lên trên