Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Salzburg, Áo trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 4/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 17/1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 95.053.496 ca mắc COVID-19 và 2.032.904 ca tử vong. Số ca đã bình phục là 67.895.438 ca.Mỹ tiếp tục là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 24,3 triệu ca mắc khiến 405.200 người tử vong. Ngày 16/1, Los Angeles đã trở thành hạt đầu tiên ở Mỹ có số ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 1 triệu ca.
Hạt đông dân nhất nước Mỹ này cùng ngày cũng ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh. Bệnh nhân gần đây sinh sống ở Los Angeles nhưng đã đến bang Oregon và hiện đang thực hiện cách ly tại đây.
Người đứng đầu cơ quan y tế công cộng hạt Los Angeles cảnh báo sự xuất hiện biến thể mới rất đáng lo ngại, trong bối cảnh hệ thống y tế địa phương đang trở nên quá tải.
Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 10,5 triệu ca mắc và 152.000 ca tử vong. Ngày 16/1, Ấn Độ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn quốc, trong đó khoảng 300.000 nhân viên y tế sẽ được tiêm phòng vào ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng đang gặp trục trặc do sự cố kỹ thuật của ứng dụng Co-Win được dùng để điều phối chiến dịch. Theo dữ liệu chính thức, hiện chỉ có hơn 191.000 người được tiêm chủng trong ngày đầu tiên triển khai chiến dịch.
Đứng thứ 3 về số ca mắc COVID-19 trên thế giới là Brazil với 8,45 triệu ca và 209.300 ca tử vong, tiếp đến là Nga với 3,56 triệu ca mắc và 65.500 ca tử vong, Anh với 3,35 triệu ca mắc và 88.500 ca tử vong.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch lây lan rộng.
Áo gia hạn phong tỏa tới tháng Hai
Ngày 17/1, Chính phủ Áo thông báo nước này sẽ gia hạn lệnh phong tỏa do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới ngày 8/2. Tuy nhiên, các lĩnh vực kinh doanh ăn uống và du lịch sẽ không thể mở lại trong tháng tới.
Phát biểu họp báo, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết chính phủ nước này buộc phải hành động do sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Nhà chức trách khuyến cáo người dân làm việc tại nhà, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và đeo khẩu trang trong các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng.
Áo đang trong đợt phong tỏa thứ 3 do dịch COVID-19, theo đó chỉ cho phép các cửa hàng thiết yếu mở cửa. Tính đến thời điểm này, Áo ghi nhận gần 390.000 ca mắc COVID-19 và gần 7.000 ca tử vong. Chính phủ nước này đặt mục tiêu kiểm soát số ca mắc COVID-19 xuống dưới 700 ca/ngày.
Đức có thể nới lỏng hạn chế với những người đã tiêm vắcxin
Tại Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết những người đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 có thể sẽ được nới lỏng các hạn chế như được phép đến nhà hàng và tạp chiếu phim sớm hơn những người khác.
Theo Viện dịch tễ Robert Koch, tính đến ngày 15/1 vừa qua, khoảng 1 triệu người trong tổng số 83,2 triệu dân ở Đức đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19.
Đức đã gia hạn các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19 đến ít nhất là cuối tháng này. Dự kiến, ngày 19/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ nhóm họp với các lãnh đạo địa phương để thảo luận về việc áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm ngoái, đến nay Đức có 2,04 triệu ca mắc COVID-19 và 46.400 ca tử vong.
Anh xem xét yêu cầu hành khách nhập cảnh tự cách ly ở khách sạn
Cùng ngày, Chính phủ Anh cho biết nước này đang cân nhắc việc yêu cầu tất cả hành khách nhập cảnh phải thực hiện cách ly trong khách sạn, cùng với các hạn chế mới dự kiến có hiệu lực trong những giờ tới.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo quy định mới, từ ngày 18/1, tất cả du khách đến Anh sẽ phải cách ly và trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Chính phủ Anh có kế hoạch siết chặt các quy định, theo đó yêu cầu du khách tự cách ly ở khách sạn và chịu mọi chi phí, đồng thời sử dụng công nghệ GPS và nhận dạng khuôn mặt để giám sát việc thực hiện cách ly.
Trước đó, ngày 16/1, Chính phủ Anh đã cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Nam Mỹ và Bồ Đào Nha do lo ngại biến thể virus SARS-CoV-2 tại Brazil.
Nhằm kiểm soát tỷ lệ mắc COVID-19 ngày càng gia tăng, Anh đang thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, theo đó người dân được khuyến cáo ở trong nhà ngoại trừ một số lý do như đi làm, chăm sóc trẻ, tập thể dục...
Ngày 16/1, Anh ghi nhận thêm 1.295 ca tử vong do COVID-19, mức cao thứ 3 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca mắc mới cũng tăng 41.346 ca lên 3,36 triệu ca, trong đó có 88.500 ca tử vong.
Pfizer cam kết giao vắcxin đúng hạn cho châu Âu
Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ đang nỗ lực xoa dịu những lo ngại ở châu Âu xung quanh việc bàn giao vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Châu Âu là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới, làm dấy lên lo ngại rằng sự chậm trễ trong việc giao vắcxin của Pfizer/BioNTech có thể cản trở việc triển khai tiêm chủng. Hiện nhà máy sản xuất vắcxin của Pfizer ở Bỉ đang gấp rút nâng công suất để có thể tăng "đáng kể" sản lượng vắcxin trong quý II. Pfizer cam kết đảm bảo giao vắcxin tới các nước Liên minh châu Âu (EU) đúng hạn kể từ ngày 25/1 tới.
Trước đó, ngày 15/1, Pfizer cho biết lượng vắcxin dự kiến giao theo đơn đặt hàng của châu Âu trong tháng 1 sẽ ở mức thấp, nhưng hãng sẽ nỗ lực nâng sản lượng vào cuối mùa Đông này cũng như trong suốt cả năm 2021.
Thông báo của Pfizer dẫn tới quan ngại về tiến độ triển khai tiêm vắcxin ở châu Âu, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp buộc nhiều nước phải thắt chặt quy định phòng dịch. Italy và Thụy Sĩ sẽ siết chặt hạn chế từ ngày 18/1 tới, trong khi Anh yêu cầu tất cả hành khách nhập cảnh phải tiến hành xét nghiệm COVID-19.
Thụy Sĩ tiếp nhận 7,5 triệu liều vắcxin của Moderna trong những tháng tới
Tại Thụy Sĩ, hãng dược phẩm Moderna cho biết sẽ giao 7,5 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 cho nước này thành nhiều đợt trong những tháng tới.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, người đứng đầu chi nhánh châu Âu của Moderna - ông Dan Staner, nêu rõ Moderna đang tăng tốc tối đa để nâng mở rộng năng lực sản xuất vắcxin. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ như kế hoạch, khoảng 50% dân số Thụy Sĩ có thể được tiêm vắcxin vào mùa Hè.
Cơ quan quản lý Thụy Sĩ đã cấp phép sử dụng vắcxin của Moderna và Pfizer/BioNTech và đang tiến hành đánh giá vắcxin của hãng AstraZeneca (Anh). Thụy Sĩ đã đặt mua tổng cộng 15 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 sau khi dành 449 triệu USD ngân sách cho chương trình tiêm chủng./.
Theo TTXVN