Tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 vừa được xác nhận gặp sự cố vào 21h ngày 3/6/2020 trên nhánh S1H hướng kết nối đi HongKong (Trung Quốc).
Đây đã là sự cố đứt cáp quang biển thứ 4 xảy ra trong vòng 2 tháng qua, và cũng là sự cố đầu tiên tuyến cáp biển AAE-1 gặp phải trong năm nay. Hiện nguyên nhân của sự cố đang được các đối tác quốc tế xác định.
Việc có liên tiếp các tuyến cáp quang biển gặp sự cố khiến người dân trong nước gặp khó khăn khi sử dụng các dịch vụ Internet quốc tế như Facebook, Messenger, YouTube, đồng thời đặt câu hỏi về chất lượng những đường ống dẫn cáp quang dưới đáy biển trong khu vực, dẫu hiện nay hoàn toàn không phải mùa mưa bão.
Trên thực tế, cáp quang biển mặc dù là hệ thống “huyết mạch” để truyền tín hiệu Internet giữa nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn luôn tồn tại những nhược điểm “cố hữu” như chi phí cao và khó khăn khi vận hành, như phải tìm kiếm khu vực có địa hình đáy biển phù hợp, cho đến việc dễ dàng bị mất kết nối vào lúc thời tiết xấu.
Ngoài ra, do đặc tính truyền dẫn ánh sáng, dây cáp biển cũng cần được kéo thẳng, và chỉ cần một đoạn bị gấp khúc hay gặp phải vật cản là đã có thể khiến cả một tuyến cáp tê liệt.
Một tin vui đến với người dùng Internet đó là vào sáng nay (4/6), sự cố trên tuyến cáp quang AAG (bắt đầu từ hôm 14/5) đã được khắc phục xong sớm hơn dự kiến, giúp khôi phục hoàn toàn lưu lượng trên tuyến. Trước đó, một đơn vị kinh doanh dịch vụ Internet tại Việt Nam (ISP) được thông báo phải 2 hôm nữa - tức 6/6 - thì sự cố trên tuyến AAG mới khắc phục xong.
Điều này đồng nghĩa với việc tại thời điểm hiện nay, ngoài tuyến AAE-1 vừa gặp sự cố, chỉ còn một tuyến cáp quang biển nữa đang trục trặc là ARG - với các sự cố trên nhánh S9 (hôm 30/4) và S1.7 (hôm 23/5). Dự kiến toàn bộ tuyến cáp ARG sẽ được khắc phục xong sự cố vào ngày 11/6 tới đây.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dùng, phần lớn dung lượng kết nối quốc tế đã sẽ được các nhà mạng điều chuyển các tuyến cáp đất liền và 3 tuyến cáp biển SMW3, IA và AAG mới được khôi phục.
Theo Dân trí