Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, liệu pháp điều trị tích cực sử dụng robot sẽ giúp cải thiện chức năng vận động tay của những bệnh nhân bị đột quỵ sau nhiều năm.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Brown (Mỹ) đã thực hiện một cuộc thí nghiệm trên robot, có tên gọi là MIT-Manus - được thiết kế để giúp bệnh nhân bị đột quỵ vận động các chi trên. Theo đó, bệnh nhân sẽ ngồi vào một chiếc bàn và tay của họ đặt trên một thiết bị của robot, sau đó bệnh nhân sẽ được robot điều khiển nhằm thể hiện các chức năng nhiệm vụ của tay. Robot MIT-Manus sẽ cảm nhận cử động tay của người bệnh và đưa ra sự giúp đỡ nếu có tín hiệu yêu cầu. Với chức năng vậy, robot MIT-Manus được xem như là “thiết bị điều khiển bằng điện” của tay.
Khoảng 127 bệnh nhân trung bình bị đột quỵ trước đó khoảng 5 năm đã tham gia cuộc nghiên cứu nói trên. Họ được chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất tiếp nhận liệu pháp điều trị tích cực bằng robot trong khoảng thời gian 3 tháng, nhóm thứ 2 tiếp nhận liệu pháp điều trị tích cực tương đương, được thực hiện bởi một nhà vật lý trị liệu. Trong khi đó, nhóm thứ 3 tiếp nhận sự chăm sóc sức khỏe thông thường. Kết quả cho thấy cả nhóm thứ nhất và thứ 2 đều có sự cải thiện đáng kể chức năng vận động của tay.
MINH PHƯỚC (Theo BBC)