LTS: Ngày 28-8-1945, Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập các bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin tuyên truyền và Bộ Giao thông công chính, bao gồm nội hàm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) hiện nay. Cũng như các tỉnh, thành khác, đến nay hoạt động TT-TT của Bình Dương đã phát triển đột phá với những thành tựu nổi bật về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cải cách hành chánh, xây dựng hạ tầng viễn thông… Đặc biệt, việc ra đời của các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương. Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành TT-TT, kể từ số báo này, Báo Bình Dương đăng tải chuyên đề về thành tựu nổi bật của ngành TT-TT...
Bài 1: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước: Hiệu quả thiết thực
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, quản lý hồ sơ công việc… góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước.
Ứng dụng rộng rãi ở các ngành, lĩnh vực
Tính đến nay, một trong những kết quả đạt được là hạ tầng CNTT dùng chung của tỉnh cơ bản được nâng cấp hoàn thiện. Các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến xã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước với tốc độ cao. 100% các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện, thị, thành phố được kết nối mạng LAN có đủ các thiết bị cơ bản bảo đảm an toàn an ninh thông tin; hạ tầng mạng nội bộ tòa nhà Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh được đầu tư hiện đại, bảo đảm cho các đơn vị khai thác các ứng dụng, dịch vụ dùng chung tại trung tâm dữ liệu của tỉnh. Hầu hết các cơ quan đã được phủ sóng wifi, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức (CBCC) kết nối mạng khi di chuyển trong tòa nhà.
Ứng dụng CNTT giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin. Ảnh: H.THỦY
Theo số liệu thống kê chung cho thấy, 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh và tương đương và UBND cấp huyện, thị, thành phố đã xây dựng trang/cổng thông tin điện tử để cung cấp các thủ tục hành chính cho người dân; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã và đang triển khai liên thông từ tỉnh đến cấp xã trên hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng. Công an tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, quản lý khoảng 1 triệu công dân thường trú. Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai phần mềm quản lý học sinh như quản lý thông tin học sinh, học lực, hạnh kiểm, thời khóa biểu. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động tại trung tâm giới thiệu việc làm và các sàn giao dịch vệ tinh. Sở Giao thông- Vận tải đã đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, phần mềm đổi giấy phép lái xe trực tuyến, phần mềm giám sát hành trình. Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều phần mềm tác nghiệp, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: VILIS 2.0, quản lý 94% hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai, hình thành một hệ thống hồ sơ địa chính thống nhất đồng bộ và hoàn chỉnh. Sở kế hoạch và Đầu tư triển khai phần mềm đăng ký kinh doanh…
Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết trong thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều đề án ứng dụng CNTT. Trong đó, nổi bật là các ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Cụ thể là Hệ thống tra cứu thông tin, lấy số thứ tự qua ki ốt tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN). Sự ra đời của trang thông tin hành chính công dichvucong. binhduong.gov.vn đã tạo nhiều đột phá trong việc công khai thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng với các tính năng vượt trội, như: Công khai 1.810 TTHC của các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (đạt 100%); triển khai hệ thống nhắn tin qua đầu số 8283 giúp tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ của bộ phận một cửa của các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thị, thành phố; tra cứu và lấy số thứ tự qua tin nhắn SMS, đăng ký bưu điện giao trả kết quả tại nhà… Đây là thành tựu nổi bật trong chiến lược, định hướng phát triển CNTT.
Tạo nhiều lợi ích cho người dân, DN
Thực tế tại Trung tâm Hành chính công cho thấy, việc ứng dụng CNTT vào công việc đã góp phần nâng cao tính hiệu quả trong giải quyết hồ sơ, TTHC cho người dân, DN. Từ các sở, ban, ngành đến các đơn vị hành chính cấp huyện, thị, thành phố việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính đã đem lại nhiều đột phá trong công tác quản lý nhà nước, giúp người dân, DN dễ dàng tra cứu tình trạng hồ sơ, giúp cán bộ lãnh đạo nắm bắt được mức độ hài lòng của người dân, DN thông qua phần mềm đánh giá CBCC được đặt trước quầy giao dịch của các sở, ban, ngành.
Bà Ngô Thị Thu Hằng, chủ một DN (TX.Tân Uyên) cho biết: “Điểm nổi bật đầu tiên tôi cảm nhận được là việc ứng dụng CNTT của tỉnh Bình Dương đã giúp cho nhiều sở, ban, ngành giải quyết nhanh chóng hồ sơ cho người dân, DN. Nhiều người dân, DN trong khi chờ đợi đã tiếp cận máy tính được trang bị sẵn để tìm hiểu thông tin, thủ tục”. Ông Thái Văn Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Kata (TX.Dĩ An), phấn khởi: “Việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính giúp chúng tôi có thể tra cứu TTHC trên trang thông tin của tỉnh, các sở, ban, ngành, nộp hồ sơ qua mạng, tra cứu tình trạng hồ sơ đã được giải quyết hay chưa”.
Ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công của tỉnh, cho biết việc ứng dụng CNTT đã tạo nhiều tiện ích cho người dân, DN. Về phía người dân và DN, toàn bộ quá trình trước, trong và sau khi thực hiện TTHC đều được thuận lợi hơn thông qua các tiện ích như: Tra cứu TTHC trên trang thông tin của tỉnh, các sở, ban, ngành, nộp hồ sơ qua mạng, tra cứu tình trạng hồ sơ đã được giải quyết hay chưa, đánh giá kết quả về sự hài lòng hay không hài lòng của mình sau khi hoàn thành TTHC. Về phía CBCC một cửa, CNTT giúp quản lý hồ sơ chặt chẽ hơn, tránh thất lạc, luân chuyển hồ sơ nhanh chóng, chính xác… Từ việc ứng dụng CNTT, lãnh đạo tỉnh và sở, ban, ngành có đầy đủ thông tin chính xác, kịp thời về tình hình tiếp nhận và giải quyết TTHC của từng ngành, lĩnh vực, thậm chí là từng CBCC để chỉ đạo, giải quyết kịp thời nhu cầu giao dịch TTHC của người dân.
Ông Lai Xuân Thành cho biết thêm, để tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN, Sở TT-TT đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch nhằm phục vụ cho hiện đại hóa nền hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; đồng thời phát huy có hiệu quả cơ sở hạ tầng CNTT, sử dụng có hiệu quả từ việc triển khai các phần mềm ứng dụng CNTT cho các cơ quan Nhà nước, đặc biệt trong việc giải quyết các TTHC…
HUỲNH THỦY
Bài 2: Đột phá trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông