Bài 2: Đột phá trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông
Bưu chính - viễn thông (BC-VT) là lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng việc phát triển ngành thông tin - truyền thông (TT-TT) phải kể đến sự cố gắng và thành tựu mà các doanh nghiệp (DN) BC-VT trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện. Bằng chiến lược đi tắt, đón đầu, lĩnh vực BC-VT đã có những bước phát triển vượt bậc.
Tháng 5-2006, Sở BC-VT ra đời, đánh dấu một thời kỳ bắt đầu ngành BC-VT có cơ quan quản lý nhà nước tách bạch với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2008, Tổng Công ty BC Việt Nam (VietnamPost) chính thức tách khỏi Tập đoàn BC-VT (viết tắt VNPT), hoạt động độc lập với VNPT và hình thành nên Tổng Công ty BC Việt Nam. Ngày 1-1- 2013, quyền đại diện chủ sở hữu tại Tổng Công ty BC Việt Nam chuyển từ tập đoàn về Bộ TT-TT và đổi tên là Tổng Công ty Bưu điện (BĐ) Việt Nam. Việc tách VietnamPost hoạt động độc lập với VNPT là xu thế tất yếu, tạo điều kiện thuận lợi để cùng đổi mới, phát triển mạnh mẽ. Với VNPT, đây sẽ là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh của tập đoàn. Còn VietnamPost là động lực để toàn ngành BC tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và phát triển bền vững.
Với những thay đổi đó đã tác động rất lớn đến ngành BC-VT. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới thì mức độ cạnh tranh giữa các DN trong nước và các DN nước ngoài ngày càng gia tăng.
Cảnh quan đô thị đẹp hơn sau khi bó cáp VT treo trên các cột điện. Ảnh: T.LÝ
Bưu chính không ngừng đổi mới và phát triển
Riêng đối với Bình Dương, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực BC trên địa bàn ngoài BĐ tỉnh còn có hơn 10 DN trong nước và nước ngoài tham gia, tạo nên một thị trường dịch vụ cạnh tranh đa dạng với giá cước thấp và chất lượng dịch vụ cao. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở TT-TT nhận định, nếu như trước đây người dùng chỉ biết đến hoạt động BĐ qua các dịch vụ phổ biến như tem, thư, bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền… đến nay hoạt động này đã không ngừng phát triển và đổi mới. BĐ đã tích cực tham gia vào các hoạt động giao - nhận, vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế; hoạt động thương mại điện tử, giao hàng qua mạng cho đến tay người tiêu dùng tại nhà.
Mặc dù có nhiều DN cùng tham gia, nhưng BĐ tỉnh vẫn đóng vai trò chủ lực trong hoạt động cung ứng dịch vụ. Là một DN được Nhà nước chỉ định cung ứng dịch vụ BC công ích, BĐ đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tỉnh trong việc cung cấp dịch vụ BC mang tính khẩn cấp nhằm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tham gia tích cực trong hoạt động giao nhận hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân.
Ông Võ Văn Tín, Giám đốc BĐ tỉnh cho biết, từ ngày 1-1- 2008 BĐ tỉnh Bình Dương chính thức chia tách với VT. Sau khi chia tách BĐ Bình Dương đã vượt qua rất nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao; xứng đáng với phương châm “Người BC đã sống được bằng nghề BC”. Doanh thu BĐ tỉnh các năm gần đây đều vượt so với kế hoạch, năm sau tăng hơn năm trước (năm 2011: 70 tỷ đồng, đạt 102% so kế hoạch; năm 2015: 114 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch). Riêng số hồ sơ hành chính công chuyển trả qua BĐ khoảng 82.000 hồ sơ (năm 2015).
Với nỗ lực đó, BĐ tỉnh vinh dự nhận được 3 cờ thi đua của Chính phủ, 4 cờ thi đua của Bộ TT-TT, 4 cờ thi đua của Công đoàn BĐ Việt Nam, 3 cờ Tổng Liên đoàn Lao động và đón nhận phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng III. Hiện nay, BĐ tỉnh đang tập trung vào việc phát triển dịch vụ hành chính công, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh; triển khai các giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả các dịch vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và thu BHXH, BHYT tự nguyện, dịch vụ logistics. Đồng thời xây dựng các giải pháp trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ BC, mở rộng thị trường và phát triển kinh doanh hiệu quả.
Viễn thông phát triển vượt bậc
Bên cạnh những đột phá dịch vụ BC, hạ tầng VT đã góp phần thúc đẩy các dịch vụ VT, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của xã hội, đặc biệt là các dịch vụ internet băng rộng, truyền hình IP (internet protocol) và điện thoại di động (2G, 3G). Riêng năm 2015, doanh thu VT đạt 3.177 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 69,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc phát triển và quản lý hạ tầng VT vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể do nhận thức của các DN VT trong việc phát triển hạ tầng mạng cáp chưa cao, hệ thống cáp vẫn còn chằng chịt gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn; cơ chế, chính sách, quy hoạch còn thiếu và chưa đồng bộ; một số quy định chưa cụ thể và khả thi; công tác thực thi pháp luật còn hạn chế; tình trạng SIM rác và tin nhắn rác còn gây bức xúc trong xã hội.
Khắc phục những tồn tại trên, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững, khai thác có hiệu quả hạ tầng VT nói chung, các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) và mạng ngoại vi nói riêng. Từ đó đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ VT, bảo đảm mỹ quan đô thị , Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển VT đến năm 2020; Quy hoạch hạ tầng VT thụ động đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030; các quy định quản lý internet, trò chơi trực tuyến, quản lý thuê bao di động trả trước… Đồng thời, tích cực hỗ trợ DN trong việc phát triển hạ tầng VT đến các vùng xa, vùng nông thôn, vùng sâu, nhằm tiếp tục phổ cập dịch vụ VT, nâng cao mật độ thuê bao điện thoại và internet.
Định hướng việc phát triển lĩnh vực VT cho những năm tiếp theo, ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết sở sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, huyện, thị, thành phố, tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng VT, như trạm BTS, mạng ngoại vi trên cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm định công trình, quy hoạch, đầu tư và xây dựng cơ bản; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xây dựng và phát triển hạ tầng VT, đặc biệt là mạng ngoại vi và các trạm BTS. Sở sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các DN VT trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là cột ăng ten, nhà trạm, cống bể cáp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai và bảo vệ môi trường. Lập kế hoạch, lộ trình để từng bước triển khai ngầm hóa các mạng cáp tại các thành phố, thị xã, các khu đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển VT của tỉnh và quốc gia. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về ý nghĩa, mục đích kinh tế, chính trị, an ninh của việc phát triển hạ tầng VT nói chung, các trạm BTS và mạng ngoại vi nói riêng nhằm nâng cao nhận thức của người dân và DN.
Đây có thể được xem là một trong những nền tảng để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020.
THANH NAM
Bài 3: Báo chí Bình Dương làm tốt công tác tuyên truyền