Thông tư số 17: Những điểm mới về tạm ứng kinh phí khuyến công quốc gia

Cập nhật: 14-09-2018 | 08:30:38

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BCT ngày 10-7-2018 (Thông tư 17) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia có hiệu lực từ ngày 23-8-2018. Theo đó, một số điều đã được sửa đổi, bổ sung như: Điều 3 về phương thức thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia; sửa đổi, bổ sung Điều 7 về tiêu chí chung và tiêu chí ưu tiên lựa chọn đề án, nhiệm vụ; sửa đổi, bổ sung tiêu đề Điều 15 và tiêu đề khoản 2 Điều 15 về tạm ứng đối với đề án thực hiện nhiều năm và đề án điểm…

Như vậy, Thông tư 17 có một số điểm mới so với quy định cũ: Quy định rõ hơn về tạm ứng kinh phí một lần, bổ sung thêm quy định về đề án điểm, đề án nhóm, đề án theo đối tượng cụ thể và nhiệm vụ khuyến công quốc gia thường xuyên; đồng thời, quy định cách thức triển khai các đề án. Quy định cụ thể hơn về tiêu chí chung và tiêu chí ưu tiên lựa chọn đề án, nhiệm vụ. Có một số thay đổi về đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia như: thành phần, số lượng hồ sơ, thời gian đăng ký. Thay thế, bổ sung, bãi bỏ một số mẫu biểu tại các phụ lục...

Quy định rõ hơn về tạm ứng kinh phí khuyến công

Điểm đáng chú ý tại Thông tư 17 là sửa đổi quy định về “Tạm ứng kinh phí một lần”. Điều 13 của Thông tư 17 đã sửa quy định về “Tạm ứng kinh phí một lần” như sau: Tạm ứng 30% kinh phí hỗ trợ của đề án đối với cc đề án hỗ trợ: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp.


Một số hình ảnh sản xuất tại các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nhận được nguồn vốn của chương trình khuyến công tại tỉnh Bình Dương

Tạm ứng 70% kinh phí hỗ trợ của đề án đối với các đề án hỗ trợ hoạt động: Tư vấn, đào tạo, tập huấn, hội ngh, hội thảo, diễn đàn; tham quan khảo sát; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu; hỗ trợ các phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các cơ sở công nghiệp nông thôn; thành lập các hiệp hội, hội ngành nghề; xây dựng các cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp; đánh giá sản xuất sạch hơn.

Hồ sơ tạm ứng gồm: Hợp đồng thực hiện đề án; kế hoạch tổ chức thực hiện đề án của đơn vị thực hiện (đối với các hoạt động đào tạo, hội nghị, hội thảo, tham quan khảo sát; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu).

Bên cạnh đó, tạm ứng 70% kinh phí hỗ trợ của đề án đối với các đề án hỗ trợ: Tổ chức hội chợ, triển lãm; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm; xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xây dựng cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử; in tờ rơi, tờ gấp; các hình thức thông tin đại chúng khác; lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp.

Hồ sơ tạm ứng gồm: Hợp đồng thực hiện đề án; hợp đồng hỗ trợ giữa đơn vị thực hiện với chủ đầu tư (đối với đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp).

Đối với các đề án hỗ trợ: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn; sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hồ sơ tạm ứng: Hợp đồng thực hiện đề án, báo cáo tiến độ của đơn vị thực hiện xác định giá trị khối lượng công việc đã thực hiện tương ứng trên 70% tổng vốn đầu tư của dự án.

Bổ sung quy định về đề án điểm; đề án nhóm và nhiệm vụ khuyến công quốc gia thường xuyên

Thông tư 17 quy định rõ: Đề án khuyến công quốc gia điểm (sau đây gọi là đề án điểm) là đề án khuyến công quốc gia (sau đây gọi là đề án) được lập theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương; có từ 2 nội dung hoạt động khuyến công và 2 đối tượng thụ hưởng trở lên; thời gian thực hiện từ 2 đến 3 năm; các nội dung hoạt động khuyến công trong đề án có sự liên kết nhằm khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Đề án khuyến công quốc gia theo nhóm là đề án khuyến công quốc gia có từ 2 đối tượng thụ hưởng trở lên thực hiện cùng một nội dung hoạt động khuyến công.

Đề án khuyến công quốc gia theo đối tượng cụ thể là đề án có một đối tượng thụ hưởng xác định cho một nội dung hoạt động khuyến công trên một địa bàn cụ thể.

Thông tư 17 cũng quy định rõ cách thức triển khai đề án khuyến công quốc gia. Nhiệm vụ khuyến công quốc gia thường xuyên là các nhiệm vụ khuyến công quốc gia do Cục Công thương địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ khuyến công thuộc Bộ Công thương tổ chức thực hiện thường xuyên hàng năm để phục vụ chung cho hoạt động khuyến công cả nước, gồm các nhóm nhiệm vụ sau:

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là thông tin tuyên truyền, nhằm mục đích cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, thông tin thị trường, phổ biến kinh nghiệm, mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thông qua các hình thức như: xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xuất bản các bản tin, ấn phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử; tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai của đề án khuyến công quốc gia là hợp tác quốc tế về khuyến công. Gồm việc trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp, quản lý cụm công nghiệp, sản xuất sạch hơn với các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ làm công tác khuyến công theo các chương trình hợp tác quốc tế và các chương trình, đề án học tập, khảo sát tại nước ngoài.

Và nhóm nhiệm vụ khuyến công quốc gia thứ ba là nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công. Gồm các việc xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công; tổ chức hội thảo chuyên đề, hội nghị đánh giá tổng kết về hoạt động khuyến công; xây dựng, duy trì, phổ biến cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về khuyến công và sản xuất sạch hơn; xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công.

Kỳ sau:

Phương thức thực hiện và các tiêu chí chọn lựa đề án ưu tiên

TTKC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=994
Quay lên trên