“Nếu thanh niên không đủ điều kiện học Đại học thì con đường học trung cấp, học nghề cũng là rất tốt”
Tại buổi đối thoại thanh niên với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra sáng nay (14/12), trả lời câu hỏi của đại biểu Đào Xuân Yên, Bí thư tỉnh đoàn Thanh Hóa về vấn đề ĐB Yên nêu vấn đề về hiện nay, đa số gia đình đều muốn con em mình học đại học, vì vậy dẫn đến tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", cơ cấu đào tạo không hợp lý gây ra tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, Thủ tướng cho rằng, đây là một vấn đề lớn và khó, đang đặt ra với cả xã hội.
Hiện nay đang “thiếu cả thầy lẫn thợ”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi đối thoạiThủ tướng cho rằng, trong nền kinh tế và nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang “thiếu cả thầy lẫn thợ” chứ không chỉ riêng là “thừa thầy, thiếu thợ”. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nghĩa là 2 người trong độ tuổi lao động gánh 1 người phụ thuộc. Theo các chuyên gia dự báo, giai đoạn này kéo dài khoảng 30-35 năm. Năm 2012 số lao động được qua đào tạo các cấp chiếm 46%, trong đó chỉ có 8% có trình độ Đại học, trên Đại học. Trong khi đó các nước công nghiệp hầu hết lao động trong độ tuổi đều được đào tạo và đào tạo lại, còn số qua CĐ, ĐH thì cao hơn nước ta rất nhiều.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển đào tạo từ nay đến năm 2020 cả về dạy nghề, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Với tinh thần làm sao nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục phát triển nhanh, hợp lý các cấp đào tạo.
Theo Thủ tướng, vấn đề đặt ra cho các bạn trẻ là trên con đường lập nghiệp, việc khẳng định bản thân, cống hiến cho đất nước rất rộng mở. Chính phủ đánh giá rất cao các bạn có điều kiện thi đậu Đại học, vào học Đại học và trên Đại học. Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để học tập tốt. “Bản thân chúng tôi đều đặt ra quyết tâm không để bất cứ bạn nào thi đậu ĐH, CĐ mà không thể đi học vì lý do khó khăn kinh tế" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng cho rằng, đất nước ta cũng đang cần rất nhiều những người công nhân lành nghề, kĩ thuật lành nghề. Vì vậy, nếu thanh niên không đủ điều kiện học Đại học thì con đường học trung cấp, học nghề cũng là rất tốt.
“Tôi xin nhấn mạnh rằng con đường lập, lập nghiệp cho các bạn trẻ là rất rộng mở”. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta phải học thật, tài năng thật, năng lực thật. Dù con đường nào thì sự thành công của mỗi con người, nhân tố quyết định là phải có hoài bão, ý chí, quyết tâm, bản lĩnh, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và dân tộc mình”- Thủ tướng nói.
Đoàn nên tập trung vào hướng nghiệp và giới thiệu việc làm
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn nêu câu hỏi về vấn đề nghề nghiệp và việc làm của thanh niên.
Đại biểu cho rằng, thời gian qua, Thủ tướng đã cho phép Đoàn Thanh niên triển khai, thực hiện các đề án về hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, về nâng cao năng lực cho các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên; xây dựng các Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và bước đầu đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn.
Thủ tướng cho biết, Thủ tướng rất hoan nghênh ý tưởng này và đã làm làm việc với Trung ương Đoàn. Thủ tướng cũng đã đồng ý phê duyệt chương trình này. Tuy nhiên, do kinh tế còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí chưa đạt tiến độ. “Tôi đã lưu ý vấn đề này và sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra để bố trí đảm bảo kinh phí để Trung ương đoàn triển khai đúng tiến độ các trung tâm này”- Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, trong hướng nghiệp, dạy nghề, Đoàn nên tập trung vào hướng nghiệp và giới thiệu việc làm; còn dạy nghề chừng mực nào đó phù hợp. Bởi Đoàn Thanh niên mở một trường dạy nghề là rất khó khăn. Các trường dạy nghề đã giao cho Bộ LĐ-TB-XH mở và đồng thời khuyến khích xã hội hoá công tác này. “Quan trọng nhất là Đoàn Thanh niên hình thành trung tâm tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu thiệu việc làm. Điều đó rất thiết thực”- Thủ tướng nói.
Theo VOV