Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” góp phần giảm nhẹ thiên tai

Cập nhật: 23-06-2016 | 08:56:01

 Dự báo, mùa mưa năm nay áp thấp nhiệt đới và bão hình thành trên biển Đông ít hơn trung bình hàng năm nhưng có xu hướng dịch chuyển về phía nam, có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt, giai đoạn cuối mùa mưa, bão có xu hướng mạnh lên. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết như thế, đồng thời lưu ý các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ) trước khi mưa, bão xuất hiện. 

Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu

Theo báo cáo, đợt nắng hạn kéo dài vừa qua đã làm 338 hộ trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt, tập trung tại các xã Tân Định, Tân Thành, Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên), Định An (huyện Dầu Tiếng), An Bình, Tam Lập (huyện Phú Giáo)… Trong khi đó, nước sông Sài Gòn bị nhiễm mặn, có lúc lên đến 2,10/00, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã phải thực hiện xả nước đẩy mặn 6 đợt với tổng khối lượng 109,67 triệu m3, góp phần bảo đảm sản xuất nông nghiệp.

Một cuộc diễn tập sơ tán nhân dân ra khỏi vùng ngập lụt tại TX.Bến Cát. Ảnh: P.V

Năm 2015, trên sông Sài Gòn xuất hiện 8 đợt triều cường đạt và vượt mức báo động III (1,3m) đi kèm mưa lớn đã làm sạt lở 37 điểm với tổng chiều dài 23.720m, chiều rộng ăn vào bờ từ 2 đến 30m. Còn sông Thị Tính có 6 điểm sạt lở với chiều dài 6.490m, sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Bình Dương có 19 điểm sạt lở, sông Bé có 18 điểm sạt lở. Cơ quan khí tượng thủy văn ghi nhận, trong năm 2015 có 11 ngày mưa rất lớn (trên 100mm), nhiều hơn 6 ngày so với năm 2014; có 24 ngày mưa kèm lốc xoáy làm sập 13 căn nhà, tốc mái 287 căn nhà, gãy đổ 17,8 ha cao su, làm sạt lở 1.451m bờ bao, kênh rạch... Đối với mùa mưa năm 2016 có khác những năm trước là không có giai đoạn mưa chuyển mùa. Đây là dấu hiệu thời tiết mới mà ngành khí tượng đang nghiên cứu theo dõi.

Dưới tác động của hiện tượng Elnino, mùa mưa năm 2016 được dự báo có tổng lượng mưa thấp hơn lượng mưa trung bình hàng năm; tần suất các trận mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn xuất hiện nhiều hơn trung bình hàng năm. Mưa kéo dài sẽ xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 10; còn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông sẽ ít hơn trung bình hàng năm, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta và có xu hướng ngày càng dịch chuyển về phía nam với cường độ ngày càng mạnh hơn vào những tháng cuối mùa mưa.

Chủ động ứng phó

Để chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó kịp thời trước các tình huống thiên tai, bão lũ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020, theo đó quy định rõ thành phần, trách nhiệm, phương thức phối hợp của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến các địa phương.

Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho rằng, hiện quy định về đóng góp Quỹ phòng chống thiên tai còn nhiều bất cập như chưa cụ thể, chưa có chế tài nên không phát huy tác dụng. Thị xã cũng kiến nghị UBND tỉnh xây dựng bản đồ số kết nối với dự báo khí tượng thủy văn để Ban chỉ huy cơ sở kịp thời điều phối, ứng phó khi có yêu cầu.

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo của năm 2016 mới đây, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhấn mạnh, đối với thiên tai, bão lũ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là dự báo kịp thời, chính xác để chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả và nhanh chóng khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Việc chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện cùng với lực lượng, kế hoạch, chỉ huy phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, được luyện tập thường xuyên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị khá tốt công tác phòng, chống lụt, bão như tôn cao bờ bao, khai thông dòng chảy… Tuy vậy, các địa phương cần kiểm tra thường xuyên để kịp thời xử lý, khắc phục những sự cố xảy ra, nếu có. Ông Dũng cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm đất công, cơi nới công trình lấn chiếm kênh rạch làm ảnh hưởng dòng chảy; đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Riêng đối với ý kiến của TX.Thuận An, cho phép thị xã xây dựng thí điểm bản đồ kỹ thuật số phù hợp với yêu cầu quản lý được kết nối thường xuyên với thông tin khí tượng.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=499
Quay lên trên