(BDO) Trước thực tế khó khăn của công tác thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, công tác quản lý các sản phẩm này đang được các cấp, cách ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, Bình Dương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh TP.Thủ Dầu Một
Còn nhiều hạn chế
Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) , những năm qua, công tác PCTHCTL bước đầu đạt được các kết quả đáng khích lệ. Trên cả nước, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường đã giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong nam giới, góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Quá trình thực hiện, Luật PCTHCTL đã tồn tại một số hạn chế, một bộ phận người dân vẫn hút thuốc tại những địa điểm cấm hút thuốc như: bệnh viện, bến xe, công viên. Khi được nhắc nhở thì họ chỉ bỏ hút thuốc tại thời điểm nhắc nhở mà không có ý định bỏ lâu dài.
Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về PCTHCTL thì cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng, như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng chờ của nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 5 triệu đồng.
Quy định của Luật PCTHCTL và nghị định liên quan, chỉ chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt. Cán bộ quản lý có nhiệm vụ nhắc nhở người dân không hút thuốc mà không có thẩm quyền xử phạt người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Thực tế việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, để xử phạt được thì phải có đủ các ban, ngành theo quy định.
Nói chuyện về tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh tại TP.Dĩ An
Để Luật PCTHCTL thực sự đi vào đời sống, bên cạnh việc công tác tuyên truyền thì rất cần có sự quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát, xử phạt của các cơ quan chức năng; đồng thời cần có sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh. Quan trọng hơn, mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần tự giác, ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình và cộng đồng.
Trong công tác PCTHCTL trong trường học, một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến con em, chưa chủ động trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục PCTHCTL. Chế tài xử phạt vi phạm về hút thuốc tại nơi công cộng, nơi quy định cấm hút thuốc lá còn chưa thực hiện nghiêm. Tại một số nơi, nhận thức của người dân còn hạn chế và chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá, do vậy việc hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra thường xuyên.
Tăng cường quản lý thuốc lá điện tử
Theo thống kê từ dự án “Đề xuất khuyến nghị chính sách tăng cường quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thông qua theo dõi các hình thức quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá trên Internet và mạng xã hội” cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 9-2019 đến tháng 8-2020, có tổng số 249.410 bài đăng/video quảng cáo liên quan đến các loại thuốc lá điện tử trên mạng xã hội ở Viêt Nam. Trong đó, lượng bài trên Facebook chiếm phần lớn, với hơn 80% bài, video.
Giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng
Sự ra đời của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đi kèm với chiến dịch quảng cáo của các công ty thuốc lá đã làm gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử của người dân, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Số liệu điều tra cho thấy tỉ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Hiện nhiều loại sản phẩm thuốc lá mới này được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau, có nguy cơ cao tiềm ẩn, phát sinh các tệ nạn xã hội, sử dụng ma túy và các chất gây nghiện ảnh hưởng đến giới trẻ, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và gây nguy cơ mất an toàn, an ninh trật tự xã hội….
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho người dân và học sinh, sinh viên tại các trường học. Các sở ngành trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, không quảng cáo nhằm kinh doanh, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.
Được biết, hiện Bộ Y tế đang rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTHCTL thế hệ mới để đề xuất sửa đổi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế đang nghiên cứu, đánh giá chi tiết về các loại tinh chất, hợp chất, thành phần được phép sử dụng cho thuốc lá thế hệ mới để các bộ, ngành có liên quan xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dùng và có giải pháp quản lý phù hợp.
Kim Hà - Quỳnh Trang