Thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – Hoa Kỳ: Cơ hội tăng tốc

Cập nhật: 06-06-2016 | 08:49:17

Nhiều chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước Việt Nam và Mỹ trong thời gian gần đây đã góp phần mở rộng cánh cửa giao thương, đầu tư giữa hai quốc gia; đưa 2 nước ngày càng trở thành bạn hàng, đối tác tin cậy của nhau.

Hàng Việt vào Mỹ tăng nhanh

Năm 2000, 6 năm sau khi Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam, hai nước đã ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt- Mỹ, mở ra một thời kỳ phát triển kinh tế mới giữa hai bên. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2000 lên gần 33,4 tỷ USD trong năm 2015. Trong thời gian này Việt Nam luôn thặng dư thương mại hàng năm, từ 454 triệu USD năm 2000 lên gần 20 tỷ USD vào năm 2015. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những nguồn thặng dư thương mại chính của Việt Nam. Theo dự báo năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đạt 57 tỷ USD.

Có thể nói kể từ sau khi BTA được ký kết, Mỹ dần trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng không thể thiếu của Việt Nam. Một trong những ngành có lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ lớn nhất là nông nghiệp. Theo ước tính, cứ 2 hạt tiêu mà người tiêu dùng Mỹ sử dụng thì có 1 hạt đến từ Việt Nam. Một số sản phẩm nông sản chủ lực khác như lúa gạo, thanh long, nhãn, cà phê... đều có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ. Trong khi đó, ngành chăn nuôi, thủy sản cũng tạo dấu ấn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ với cá da trơn, tôm... Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra, tôm và cá ngừ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả ngành là 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.


Theo các chuyên gia, chưa bao giờ quan hệ giao thương, đầu tư Việt - Mỹ lại có nhiều cơ hội phát triển như hiện nay
. Trong ảnh: Sản xuất giày thể thao tại Công ty da giày Đông Hưng (TX.Dĩ An) để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: KHÁNH VINH

Các mặt hàng xuất khẩu lớn của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung sang thị trường Mỹ là dệt may, da giày, đồ gỗ, gốm sứ cũng có những bước tiến vững chắc. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước ta vào Mỹ năm 2015 đã xấp xỉ 11 tỷ USD, tăng hơn 217 lần so với con số 50 triệu USD vào năm 2000. Trong đó riêng ngành da giày đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD vào Mỹ trong năm qua, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành hàng này, vượt qua cả thị trường chủ lực là Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ về tầm quan trọng của thị trường Mỹ, ông Nguyễn Văn Lê, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương, cho biết kể từ khi BTA Việt - Mỹ được ký kết, nhiều người trong ngành đã dự đoán Mỹ sẽ là thị trường chủ lực của da giày Việt Nam. Quá trình phát triển thương mại của ngành này giữa hai nước trong 16 năm qua đã chứng minh điều đó. Chính vì thế hiệp hội luôn mong muốn tăng cường hàng hóa vào thị trường này để gia tăng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

Đẩy mạnh đầu tư

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho biết Mỹ tiếp tục là nhà đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, với tổng vốn đầu tư ở nước ngoài lũy kế đến hết quý I-2015 khoảng 5.000 tỷ USD. Khoản đầu tư này của Mỹ chiếm khoảng 25 - 26% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu. Theo cơ quan chức năng, đến nay Mỹ có 712 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn hơn 10 tỷ USD, đứng thứ 7/110 quốc gia, vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư tại Việt Nam.

Tính đến nay, Bình Dương đã thu hút được hơn 650 triệu USD vốn đầu tư từ Mỹ; Mỹ xếp thứ 6 về vốn trong các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Bình Dương. Hầu hết dự án đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Bình Dương tập trung vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường.

Tháng 9-2015, Tập đoàn Amway đã vận hành nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore II (Bình Dương) trị giá 25 triệu USD. Nhà máy này là một phần trong kế hoạch mở rộng sản xuất toàn cầu trị giá 332 triệu USD của Tập đoàn Amway. Tương tự năm 1997, American Standard cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị vệ sinh có quy mô lớn, lên đến 16,5 triệu USD, công suất 400.000 sản phẩm/năm tại Bình Dương. Đến năm 2011, American Standard đã tăng công suất nhà máy lên gấp đôi so với ban đầu và hiện đang dự kiến tiếp tục mở rộng hoạt động, tăng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Tương tự 2 doanh nghiệp kể trên, có nhiều nhà đầu tư từ Mỹ quan tâm đến Bình Dương trong thời gian qua trong chiến lược đầu tư của mình. Nhiều doanh nghiệp Mỹ rót vốn lớn, đón làn sóng sản xuất, tiêu dùng mới của thị trường Mỹ cũng như Việt Nam. Theo đánh giá chung của nhiều doanh nghiệp Mỹ, Bình Dương là một trong những tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt nhất tại Việt Nam hiện nay, cùng với đó nguồn nhân lực dồi dào và có đội ngũ lãnh đạo năng động, cầu thị, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao. Hơn nữa việc đặt nhà máy sản xuất tại Bình Dương cũng phục vụ rất tốt nhu cầu mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới do tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Triển vọng thu hút vốn đầu tư lớn từ Mỹ vào Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng vẫn còn. Với việc hai nước ngày càng xích lại gần hơn trên các phương diện, đặc biệt là việc cùng nhau đặt bút ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến cho doanh nghiệp Mỹ ngày càng mong muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Việt Nam. Đó cũng chính là cơ sở vững chắc để đặt kỳ vọng lớn hơn vào quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, người tiêu dùng Mỹ hiện có xu hướng chuyển sang mua hàng hóa các nước Đông Nam Á, thay vì từ các nhà cung cấp của Trung Quốc. Ông Mark Gillin, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt - Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), cho biết TPP sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư và thương mại giữa các thành viên. Bởi thế nhiều nhà đầu tư Mỹ gần đây đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Có thể nói TPP mang cơ hội tuyệt vời song cũng không ít thách thức cho công tác mời gọi đầu tư của các địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Dương, cũng như cơ hội tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu rủi ro khi làm ăn với đối tác Mỹ.

Đầu tháng 11- 2015, AmCham Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương khai trương văn phòng đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt - Mỹ tại tòa nhà Becamex IDC (TP.Thủ Dầu Một). Bà Mai Hoàng, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt - Mỹ, cho biết ngoài các chương trình hợp tác song phương, Việt Nam và Mỹ đã cùng tham gia nhiều tổ chức quốc tế và các hiệp định thương mại quan trọng, trong đó có TPP nên nhu cầu tìm hiểu môi trường đầu tư, tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong thời gian tới là rất cao. Chính vì thế việc khai trương văn phòng đại diện là một trong những nỗ lực lớn để gia tăng dòng chảy vốn đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vào Bình Dương cũng như Việt Nam.

 

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3445
Quay lên trên