Với vai trò là trung tâm kinh tế của tỉnh, tỷ trọng thương mại - dịch vụ (TMDV) của TP. Thủ Dầu Một chiếm trên 60% trong cơ cấu kinh tế. Các doanh nghiệp (DN) TMDV trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, đồng thời duy trì nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh sau giãn cách. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương II
Hoạt động trong khó khăn
Theo đánh giá của UBND TP.Thủ Dầu Một, từ nay đến cuối năm 2021 dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Các hoạt động kinh doanh TMDV, sản xuất hàng hóa trên địa bàn thành phố phục hồi chậm do thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, tình hình nhân lực, tài lực của các chủ thể kinh doanh chưa kịp phục hồi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Cùng lúc đó, hoạt động bán lẻ trên địa bàn vẫn bị tác động do tâm lý ngại dịch bệnh có thể xuất hiện trở lại, người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm các nhóm hàng hóa thiết yếu và hạn chế các nhóm hàng hóa dịch vụ chưa thật sự cần thiết. Các hoạt động vui chơi giải trí khác như du lịch, văn hóa chưa thể hồi phục nhanh chóng nên sẽ ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Tuy nhiên, trong khó khăn, nhiều DN, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đã linh hoạt, tích cực tìm kiếm các giải pháp phù hợp để duy trì và từng bước ổn định hoạt động kinh doanh, chủ động đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường trong những tháng cuối năm để khai thác đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ.
Ông Thái Thành Nhân, Trưởng ngành hàng thực phẩm tươi sống Siêu thị Big C Bình Dương, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của hệ thống Siêu thị Big C trên địa bàn tỉnh sụt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sau khi mở cửa kinh doanh trở lại, siêu thị đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, bán hàng online với kỳ vọng thị trường những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng trở lại, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Tương tự, ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Công ty TNHH Vi tính Gia Bảo, phường Phú Cường, cho biết mặc dù mở cửa trở lại, học sinh phải học online nhưng khách hàng đến cửa hàng mua sắm vẫn còn hạn chế. “Để kích cầu tiêu dùng, thu hút khách hàng, công ty đang thực hiện các chương trình bán hàng giá đúng cho học sinh, sinh viên, khuyến mại tùy theo từng sản phẩm, hỗ trợ khách hàng mua sản phẩm trả góp với giá không đổi. Chúng tôi kỳ vọng với các chương trình khuyến mại và sự tận tâm phục vụ sẽ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng sau giãn cách”, ông Trần Ngọc Ẩn nói.
Kinh doanh an toàn
Bên cạnh các DN, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đang tìm các giải pháp để kích cầu tiêu dùng, tăng trưởng doanh thu, một số chợ truyền thống trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một sau khi tạm đóng cửa phòng, chống dịch bệnh cũng đã hoạt động bình thường trở lại. Dù tỷ lệ mở cửa chưa nhiều, mua bán chưa nhộn nhịp như trước, nhưng nhìn chung giá cả tương đối ổn định, hàng hóa phong phú. Ban quản lý các chợ hiện đang hướng dẫn tiểu thương chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tiến hành thực hiện phương án xây dựng và tổ chức bố trí hoạt động trở lại theo yêu cầu của TP.Thủ Dầu Một.
Trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một ước đạt trên 127.793 tỷ đồng, tăng 0,48% so cùng kỳ, đạt 52,83% kế hoạch. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 125.058 tỷ đồng, tăng 0,04% so cùng kỳ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 2.736 tỷ đồng, tăng 25,7%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,79% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường tiếp tục được triển khai thực hiện tốt, tổ chức kiểm tra kịp thời về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. |
Theo ông Đặng Thành Tâm, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Thủ Dầu Một, để góp phần thúc đẩy phát triển TMDV trên địa bàn, UBND TP.Thủ Dầu Một đã ban hành Văn bản số 309 về việc xây dựng phương án và tổ chức bố trí chợ tạm hoạt động trở lại trong điều kiện mới. Kế hoạch nhằm bảo đảm chợ hoạt động an toàn và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, từng bước khôi phục, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định chỉ số giá tiêu dùng, không để xảy ra trường hợp khan hàng tăng giá.
“Thành phố chủ động triển khai tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng, thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực TMDV để kịp thời tham mưu những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, dự trữ các mặt hàng thiết yếu, xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022; phối hợp với các lực lượng chức năng bình ổn, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các DN sản xuất, cung ứng hàng hoá”, ông Đặng Thành Tâm cho biết.
TRÚC HUỲNH - T.D.MỘT