Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương nhận định trong mùa khô 2015- 2016, tổng lượng mưa sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 - 40%; nền nhiệt độ trong các tháng còn lại của mùa khô có xu hướng cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ so với các năm trước. Trước tình hình đó, công tác chống hạn, xâm nhập mặn đang được tỉnh nhà thực hiện rất quyết liệt.
Hồ Dầu Tiếng vừa có nhiệm vụ cung cấp nước tưới nông nghiệp tại Bình Dương, Tây Ninh, vừa giúp TP.Hồ Chí Minh chống xâm ngập mặn Ảnh: XUÂN THI
Khô hạn kéo dài
Từ đầu năm đến nay, hồ Dầu Tiếng đã phải xả nước 4 lần với lưu lượng gần 61 triệu m3 để giúp TP.Hồ Chí Minh chống xâm nhập mặn. Đợt xả nước mới nhất diễn ra từ ngày 4 đến 11-3 đã phần nào giúp thành phố này chống chọi với thời tiết nắng hạn. Khảo sát độ mặn trên sông Sài Gòn của ngành chức năng vừa qua cho thấy năm 2016, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn và độ mặn sẽ tăng cao nếu thời tiết khô hạn kéo dài.
Riêng tại địa bàn Bình Dương, khảo sát mới nhất cho thấy, tại Lái Thiêu độ mặn là 3/1.000, tại cảng Bà Lụa là 1,3/1.000… Theo các cơ quan chức năng, độ mặn này không ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất nông nghiệp và các vùng chuyên canh cây ăn quả trong tỉnh nhưng không vì thế mà các ngành, địa phương và người dân trong tỉnh chủ quan. Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin năm nay, hiện tượng El Nino nhiều khả năng xảy ra gay gắt hơn mức kỷ lục vào mùa khô 1997-1998; khả năng hiện tượng El Nino sẽ kéo dài hết vụ đông - xuân 2015-2016 là rất cao. Trong khi đó, tình hình khô hạn có khả năng diễn ra trên diện rộng và kéo dài, nguồn nước sông suối bị cạn kiệt, tình hình nhiễm mặn tại khu vực ven sông Sài Gòn sẽ tăng cao và ranh giới mặn sẽ sâu hơn so với mức bình thường. Khi nắng hạn kéo dài, lượng nước ở mặt ruộng bốc hơi nhanh, lượng nước cho canh tác sẽ cần nhiều hơn. Cùng với đó, các vùng gò cao nguồn nước mặt, nước ngầm sẽ bị cạn kiệt và xuống thấp... Đây là những nguy cơ xảy ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh Bình Dương.
Chủ động mọi phương án
Để đối phó với tình hình trên, ngay từ đầu năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo các địa phương kiểm tra chặt chẽ tình hình sản xuất ở địa phương mình, cảnh báo nông dân sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước hiện có. Theo đó, đối với vùng có khả năng bị hạn, cần động viên, khuyến khích nông dân chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày, sử dụng ít nước; đối với vụ hè - thu nên xuống giống muộn để chờ mưa.
Đối với vùng có nguy cơ nhiễm mặn như An Sơn, Vĩnh Phú, Lái Thiêu (TX.Thuận An), Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một), An Tây (TX.Bến Cát)… vẫn có thể sử dụng nước triều các sông, rạch để tưới. Riêng vùng khan hiếm nước như An Linh, An Thái, An Long (huyện Phú Giáo), Đất Cuốc, Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên)… phải ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân. Nơi nào không thể giải quyết được nước sinh hoạt tại chỗ cho nhân dân thì phải có kế hoạch huy động phương tiện tại chỗ hoặc tăng cường vận chuyển nước từ nơi khác về cung cấp cho nhân dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương nên phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi để nắm cụ thể tình hình quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, diễn biến triều cường và mực nước các sông Sài Gòn, Đồng Nai nhằm có biện pháp cân đối nguồn nước phục vụ sản xuất có hiệu quả
Ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết với độ mặn vừa được khảo sát sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu. Tuy nhiên, nếu thời tiết khô hạn kéo dài, tình hình xâm nhập mặn gay gắt rất khó lường những hậu quả do thời tiết cực đoan gây ra. Do đó, các hộ nông dân có diện tích trồng cây ăn quả cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết nhằm chủ động phương án bảo vệ vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu trong mùa khô 2015-2016.
PHÙNG HIẾU