Bài 1: Thực hiện chậm và còn lãng phí!
Sau khi khảo sát thực tế các công trình lưới điện và nhu cầu sử dụng điện của tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh kết luận: “Bình Dương đang dẫn đầu cả nước với nhiều cái nhất quan trọng, như: Tỷ lệ điện khí hóa cao nhất; số hộ sử dụng điện lưới, đặc biệt là hộ nông thôn nhiều nhất; tiết kiệm điện hiệu quả nhất…”. Còn theo báo cáo của UBND tỉnh thì diện tích đất dành cho hành lang lưới điện của Bình Dương cũng cao nhất nước với tỷ lệ 1,2% đất tự nhiên, trong khi nông dân không thể sử dụng để trồng trọt và phải bỏ đất trống là rất lãng phí!
Nhiều dự án vốn đầu tư lớn…
Thay mặt lãnh đạo ngành điện, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Hữu cho biết hiện Bình Dương đạt tỷ lệ hộ sử dụng điện là 99,86%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 169.155 hộ, chiếm tỷ lệ 99,59%. Số hộ chưa có điện là 756 hộ, giảm 3.350 hộ so với năm 2011. Bằng nhiều biện pháp, năm qua Bình Dương đã tiết kiệm được 112 triệu kWh điện, đạt 154% kế hoạch được giao. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư lớn từ nhiều nguồn, bằng nhiều chương trình và nguồn vốn khác nhau. Trong đó, riêng nguồn từ ngân sách tỉnh cũng đã đầu tư trên 151 tỷ đồng để thực hiện đề án xóa điện kế tổng, điện kế cụm; Tổng Công ty Becamex đã đầu tư trên 221 tỷ đồng đầu tư các trạm biến áp, thay đổi hệ thống trụ tháp đã cũ kỹ sang trụ bê tông đạt tiêu chuẩn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm (người chỉ tay) cùng lãnh đạo EVN khảo sát thực tế tuyến điện cao áp Tân Định - Uyên Hưng
Cùng với các nguồn vốn nói trên, EVN cũng đang triển khai nhiều dự án lớn nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển sản xuất, thu hút đầu tư của Bình Dương nói riêng và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Theo chỉ đạo của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2013 trở về sau, EVN giao cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN-NPT) và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN-SPC) làm chủ đầu tư các dự án lưới điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bao gồm: Dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; đường dây 500kV Sông Mây - Tân Định; đường 220kV Tân Định - Uyên Hưng; đường dây 110kV Mỹ Phước - An Tây; trạm biến áp 110kV Thuận Giao; đường dây 110kV Uyên Hưng - Đất Cuốc; trạm biến áp 110kV Đất Cuốc… Hầu hết các dự án nói trên đều có số vốn đầu tư lớn, đem lại hiệu quả cao sau khi hoàn thành, nhưng đều đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án!
Trước tình hình các dự án điện do các đơn vị “con” của EVN làm chủ đầu tư chậm được thi công, tại cuộc họp với lãnh đạo EVN mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nêu kiến nghị: “Ngành điện sớm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện nhằm bảo đảm cung ứng đủ và ổn định chất lượng điện cho Bình Dương năm 2013 là 7 tỷ 440 triệu kWh điện như thỏa thuận giữa lãnh đạo tập đoàn với UBND tỉnh và chỉ đạo của Chính phủ”.
Tiến độ chậm và còn lãng phí!
Lướt qua bảng danh sách các công trình, dự án quan trọng do EVN làm chủ đầu tư mà chúng tôi vừa nêu, điều dễ dàng nhận thấy là những cái tên, địa danh được lặp đi lặp lại nhiều lần, như: Dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; đường dây 110kV Mỹ Phước - An Tây; đường dây 500kV Sông Mây - Tân Định; đường 220kV Tân Định - Uyên Hưng; đường dây 110kV Uyên Hưng - Đất Cuốc; trạm biến áp 110kV Đất Cuốc… khiến những người am hiểu địa bàn Bình Dương không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: “Vì sao cùng một chủ đầu tư mà không có sự tính toán, gộp chung nhiều đường dây trên cùng một trụ điện để vừa tiết kiệm đất đai, vừa thuận tiện trong quản lý, vận hành?”. Trên thực tế, việc triển khai đầu tư “riêng lẻ” từng dự án nói trên, dẫn đến thực trạng một địa phương như Mỹ Phước, Tân Định, Uyên Hưng, Đất Cuốc… phải gánh trên mình cùng lúc từ 2 đến 3 dự án lớn. Điều này dẫn đến mức đền bù cao, mặt bằng phải giải tỏa nhiều; đồng thời làm “nát” bộ mặt cũng như quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vốn đã được phê duyệt từ trước đó!
Ở các nước phát triển người ta kéo, mắc hàng chục đường dây trên cùng một trụ điện để tiết kiệm đầu tư, dễ quản lý và họ đã làm từ mấy chục năm về trước chứ không phải bây giờ mới làm. Ngành điện nên học tập cách làm này để Nhà nước và nhân dân đều có lợi!
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN THANH LIÊM)
Bức xúc trước thực trạng nói trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Phan Chí Thành thẳng thắn phát biểu: “Đầu tư như thế này thì rất lãng phí, vì 2 đường điện cao áp chạy song song nhau vừa mất nhiều đất, vừa tốn tiền đầu tư, lại khó khăn trong quản lý vận hành. Trong khi đó vấn đề đền bù, giải tỏa hiện nay là vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị từ trước chứ không thể muốn là được”. Đồng tình với ý kiến của ông Thành, lãnh đạo các huyện Bến Cát, Dầu Tiếng cũng kiến nghị: “Ngành điện nên nghiên cứu nâng chiều cao tĩnh không của đường dây lên bằng hoặc hơn chiều cao cây cao su (20m) để nông dân còn có thể tận dụng diện tích đất phía dưới đường dây để trồng trọt, tránh lãng phí diện tích đất này”.
Chính vì những khó khăn vướng mắc nói trên mà tình hình triển khai thi công các dự án điện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, do các đơn vị “con” của EVN làm chủ đầu tư, đạt tiến độ rất chậm, có nơi hoàn toàn bế tắc vì không có mặt bằng thi công. Có dự án chỉ còn vướng “1 chân” trụ cũng không thể thi công vì chủ đất không chịu bàn giao mặt bằng! Từ thực tế nói trên, Chủ tịch EVN Phạm Lê Thanh kết luận: “Nếu kéo dài thời gian thi công các công trình, chậm đóng điện thì nguy cơ thiếu điện cho miền Nam càng thêm bức xúc và giá trị đầu tư cũng tăng cao, sẽ gây lãng phí rất lớn cho Nhà nước và nhân dân”!
Để giải quyết những bức xúc nói trên, đồng thời tìm lối ra cho các công trình điện đang dang dở, phát biểu tại cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, nói: “Đúng là những công trình điện nói trên còn có quá nhiều cái khó cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta nên phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể để tháo gỡ bằng cách chọn cái nào dễ làm trước để phát huy sức lan tỏa trong quần chúng. Kinh nghiệm cho thấy muốn vượt qua khó khăn cần có sự quyết tâm và đồng thuận từ nhiều phía. Muốn vậy người đứng đầu mỗi ngành, mỗi địa phương phải dám quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu chúng ta dùng tiền tài trợ, tiền dự án để tiêu xài riêng tư thì có tội với nhân dân, còn dùng tiền ngân sách để gỡ khó, để mang lại cuộc sống ổn định cho người dân, lợi ích cho cộng đồng thì cũng nên mạnh dạn làm…”.
Kỳ tới: Biết vượt khó sẽ không khó
DUY CHÍ