Đến với mô hình nuôi chim cút như một sự tình cờ nhưng lại mang đến cho chị Nguyễn Thị Hằng (ấp Tân Tiến, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo) một hướng phát triển kinh tế gia đình đầy tiềm năng với mức thu nhập đáng kể. Là một người trẻ tiên phong nuôi thử nghiệm chim cút sinh sản, đến thời điểm hiện tại, mô hình của chị Hằng đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, đang được người dân trên địa bàn xã nhân rộng.
Chị Nguyễn Thị Hằng thành công với mô hình nuôi chim cút sinh sản. Ảnh: H.P
Bắt đầu nuôi chim cút vào cuối năm 2014 với 12.000 con, đến nay gia đình chị Hằng nuôi khoảng 40.000 con chim cút trưởng thành, mỗi ngày thu được 35.000 - 37.000 trứng cung cấp cho các thương lái và thị trường thực phẩm ở huyện. Để có được thành quả như ngày hôm nay, chị đã trải qua không ít khó khăn do lúc đầu chưa nắm kỹ thuật sưởi ấm và thiếu kinh nghiệm phòng, trị bệnh nên số lượng chim cút chết khá nhiều. Sau đó, chị tìm hiểu qua sách báo, các mô hình thực tế, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của bạn bè về đặc tính sinh học, kỹ thuật chuồng trại, chăm sóc chim cút, để cuối cùng chị quyết định đầu tư nuôi chim cút theo mô hình khép kín. Chuồng nuôi cút công nghiệp của chị Hằng được làm bằng sắt và kẽm với hệ thống uống nước tự động. Chị Hằng chia sẻ: “Nuôi chim cút không khó, vốn đầu tư thấp, thời gian xoay vòng vốn nhanh mà chim cút còn dễ chăm sóc. Ðể chim cút sinh trưởng tốt, tránh được dịch bệnh thì người nuôi cần thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại và có chế độ chăm sóc hợp lý”.
Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi ngày chim cút sẽ đẻ một trứng, với giá bán dao động là từ 3.500 - 4.000 đồng một chục trứng, tùy từng thời điểm. Như vậy mỗi ngày gia đình chị thu về trên 10 triệu đồng tiền bán trứng. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng trứng thì cứ nuôi được 11 tháng chị lại bán cút thương phẩm và thay lứa mới. Giống chim cút được chị chọn mua thường là ở cơ sở có giống bố mẹ tốt, cút giống phải khỏe mạnh, không dịch bệnh, dị tật; tỷ lệ đẻ, ấp nở cao, tăng trọng nhanh… Hiện nay, gia đình chị Hằng có 5 trại nuôi chim cút, sau khi trừ các chi phí thức ăn, thuốc phòng dịch, nhân công, chuồng trại, cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với nguồn lợi nhuận cao, mô hình chăn nuôi cút của chị Hằng đang trở thành mô hình tiêu biểu cho thanh niên trên địa bàn xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
HỒNG PHƯƠNG