Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn. Nhiều đơn vị khi được thụ hưởng sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã nâng cao năng lực hoạt động, tạo ra sản phẩm công nghiệp chất lượng, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ hiệu quả thông qua chương trình khuyến công của tỉnh. Trong ảnh: HTX May gia dụng Tân Hiệp Phát được hỗ trợ máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Ảnh: TRÍ DŨNG
Từ nhu cầu thực tế
Đầu tháng 6-2018, Hợp tác xã (HTX) May gia dụng Tân Hiệp Phát (xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo) chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Việc thành lập HTX nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập cho chị em phụ nữ, góp phần thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tân Hiệp.
HTX đi vào hoạt động có nhiều thuận lợi bởi trên địa bàn xã Tân Hiệp chưa có khu công nghiệp, 80% dân số sống bằng nghề nông nên nguồn lao động của xã rất dồi dào. Mặt khác, trước khi thành lập HTX, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở nhiều lớp đào tạo nghề may gia dụng. Nhờ đó, nhiều chị em phụ nữ sau khi tham gia các lớp học đã có tay nghề vững vàng để làm việc trong HTX.
HTX chủ yếu nhận may đồng phục học sinh, công nhân, bảo hộ lao động… trong và ngoài xã và giao cho xã viên may tại nhà. Nhờ tay nghề cao và tuân thủ thời gian hợp đồng nên HTX sớm tạo niềm tin đối với khách hàng, vì thế hoạt động sản xuất ngày càng ổn định, phát triển. Năm 2018, doanh thu của HTX đạt 300 triệu đồng, năm 2019 đạt khoảng 800 triệu đồng; thu nhập bình quân của mỗi chị em nhận may từ 5 - 7 triệu đồng mỗi tháng. Không chỉ chị em phụ nữ ở xã Tân Hiệp, hiện có nhiều phụ nữ ở các xã Phước Sang, An Thái cũng nhận hàng của HTX về may.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết HTX May gia dụng Tân Hiệp Phát mặc dù mới được thành lập nhưng đã hoạt động rất hiệu quả. Việc ra đời HTX không đơn thuần để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã mà quan trọng hơn là giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho nhiều chị em phụ nữ của xã. Nhờ vậy, nhiều chị em không phải đi xa mà vẫn có việc làm và có điều kiện chăm lo gia đình.
Mặc dù vậy, để tăng năng suất, mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường, hiện HTX đang gặp không ít khó khăn. Theo bà Lương Thị Nhài, Giám đốc HTX, khó khăn lớn nhất đối với HTX đó là nguồn vốn đầu tư để trang bị máy móc, thiết bị hiện đại nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, phần lớn chị em có tay nghề nhưng khó khăn không có khả năng mua máy may tại nhà nên HTX phải đầu tư máy móc ở ngay tại HTX để chị em đến may.
Hỗ trợ kịp thời
Sau khi tham gia tập huấn chính sách khuyến công và biết được chính sách hỗ trợ, HTX đã liên hệ với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp để đề nghị hỗ trợ. Qua xem xét các quy định hiện hành và nhu cầu của HTX, trung tâm đã trình Sở Công thương thẩm định, phê duyệt kinh phí thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong may trang phục” tại HTX May gia dụng Tân Hiệp Phát (xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo). Bà Nhài cho hay tổng kinh phí thực hiện đề án trên 430 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 200 triệu đồng. HTX đã đầu tư một số máy móc hiện đại phục vụ sản xuất như máy thùa khuy điện tử, máy đính nút điện tử, máy viền 12 kim, máy vắt sổ, máy Kansai điện tử công nghiệp, máy in phun A3, máy ép nhiệt…
“Máy móc thiết bị được đầu tư mới đã tạo ra chất lượng sản phẩm đồng nhất, tiết kiệm chi phí sản xuất. Hiện nay, chúng tôi đã chủ động trong việc in ấn chứ không còn mang sản phẩm xuống TP.Thủ Dầu Một in như trước đây nữa”, bà Nhài nói.
Theo ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, việc thực hiện đề án nhằm đổi mới, thay thế máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thời gian gia công bên ngoài, từ đó hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ổn định, phát triển; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho người lao động trên địa bàn, nhất là lao động nữ nhàn rỗi.
“Hiệu quả mang lại sau khi kết thúc đề án là rất thiết thực. Không những đồng bộ máy móc thiết bị của đơn vị mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy ngành may mặc phát triển đúng với mục tiêu chương trình khuyến công của tỉnh đề ra đến năm 2020”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Năm 2019, Sở Công thương đã thẩm định và phê duyệt được 23 chương trình, kế hoạch, đề án, như: Chương trình nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện công tác khuyến công; chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Đây là những hoạt động “tiếp sức” để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
TRÍ DŨNG