Hôm qua (5-5), ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì họp UBND tỉnh thông qua Chương trình huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Chương trình dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2016-2020. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hùng Dũng, Trần Thanh Liêm, Đặng Minh Hưng cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tham dự cuộc họp.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: XUÂN THI
Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn lực
Theo báo cáo, xác định việc huy động các nguồn lực, trong đó nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng là hết sức cần thiết, trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã có nhiều vận dụng linh hoạt trong các cơ chế chính sách, tranh thủ sự giúp đỡ của Chỉnh phủ, các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực nhằm phát huy nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị để tạo nền tảng, cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng định hướng đề ra.
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh đạt hơn 98.600 tỷ đồng (chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội), tăng bình quân 14% hàng năm. Mặt khác, vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương trong thời gian qua tuy còn khá khiêm tốn nhưng được tỉnh triển khai theo đúng các mục tiêu hỗ trợ cụ thể cho từng dự án. Trong khi đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh được bố trí tập trung cho các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng và những dự án không có khả năng hoàn vốn trực tiếp. Tỉnh Bình Dương cũng đã thực hiện có hiệu quả các hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và đầu tư của doanh nghiệp, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đầu tư những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn.
Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong thời gian qua, tỉnh nhà đã tập trung đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức đầu tư nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, đặc biệt là những công trình, dự án nhằm thực hiện các chương trình đột phá của tỉnh. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông được tỉnh ưu tiên và tập trung đầu tư, nhất là những công trình giao thông hướng ngoại quan trọng, bảo đảm đồng bộ, liên hoàn, kết nối hợp lý với hệ thống giao thông của vùng và quốc gia. Bên cạnh đó, công tác vận động nhân dân tham gia đầu tư giao thông nông thôn được tỉnh đẩy mạnh đáng kể; công tác quy hoạch và phát triển đô thị được quan tâm chỉ đạo, rà soát và điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với các khu, cụm công nghiệp cũng được địa phương tiếp tục mở rộng, khai thác có hiệu quả theo quy hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Chính vì thế, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước nhằm kết nối các đầu mối giao thông quan trọng, các trung tâm đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc thu hút nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2016- 2020 cần tập trung huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn từ những nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, cụ thể là khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngân sách từ Trung ương phân bổ cũng như ngân sách địa phương cần được kiểm soát tốt, hiệu quả hơn.
Tập trung phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao
Hiện nay tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm khoảng 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và là ngành kinh tế lớn thứ hai sau lĩnh vực công nghiệp, đồng thời có xu hướng tăng lên theo tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh trong những năm tới. Từ năm 2015 đến nay, các ngành dịch vụ chất lượng cao (DVCLC) đã hình thành và phát triển khá mạnh tại Bình Dương, điển hình như tài chính ngân hàng, ngân hàng điện tử, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu… Bên cạnh đó, các dịch vụ gia tăng của ngành bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin; dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo... ngày càng được mở rộng đã và đang góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Kết quả này cho thấy, DVCLC trong thời gian qua đã phát huy vai trò động lực cho sự phát triển toàn diện và hình thành thành phố Bình Dương trong tương lai gần. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này tại Bình Dương vẫn còn không ít khó khăn. Cụ thể, quy mô các DVCLC chưa xứng tầm với kinh tế của địa phương; đầu tư hạ tầng, xây dựng những chương trình phát triển dịch vụ du lịch còn chậm, chưa đồng bộ và thiếu tính lâu dài khiến việc khai thác tiềm năng du lịch chưa hiệu quả. Đối với lĩnh vực logistics chủ yếu vẫn tập trung vào một số khâu ở cấp độ trung bình, đơn giản, chưa đủ khả năng cung cấp các dịch vụ logistics cấp độ cao như nó đang có ở một số tỉnh, thành bạn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Bình Dương là địa phương có sự phát triển khá đặc thù so với các tỉnh, thành khác. Do vậy, chương trình phát triển DVCLC cần tập trung phát triển những lĩnh vực dịch vụ phục vụ cho chính ngành công nghiệp và dịch vụ. Đối với việc phục vụ cho lĩnh vực xuất khẩu, DVCLC nên ưu tiên phát triển ngành dịch vụ điện, nước, hải quan, logistics... Đây là những ngành có giá trị gia tăng cao và có tác động lớn đến tốc độ phát triển công nghiệp và tạo giá trị GDP cho tỉnh. Tất cả cần được đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải nhằm hình thành và phát triển nhanh hơn các loại hình DVCLC trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thu thập, nghiên cứu các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở ngành và địa phương trong tỉnh để hoàn thiện báo cáo. Ông Liêm cho biết, ở bình diện chung, phát triển DVCLC của tỉnh thời gian qua khá đồng đều, tuy nhiên hiệu quả trên một số lĩnh vực còn thấp. Do vậy, phát triển DVCLC phải đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, hướng tới tập trung phát triển DVCLC nhanh, mạnh và có chiều sâu. Việc phát triển loại hình này bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh là tập trung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
THANH HỒNG - KHÁNH VINH