Tiếp tục thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường

Cập nhật: 20-12-2018 | 09:00:09

Trong 11 tháng năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,59%; lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,46% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Theo đánh giá, đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ sốt giá trong thời điểm cuối năm.

Chuẩn bị đầy đủ mặt hàng thiết yếu

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã tổ chức họp bàn giải pháp, giao nhiệm vụ và ban hành kế hoạch bình ổn thị trường năm 2019 đến các ngành, doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp, siêu thị được giao nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch phục vụ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân như lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, mặt hàng xăng dầu, thuốc trị bệnh cho người...

Tổng trị giá hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường được giao trong năm 2019 là 2.074 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh), trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi là 1.263,5 tỷ đồng. Các siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cam kết bán các loại hàng hóa thiết yếu với giá thấp hơn sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng trên thị trường khoảng 10%.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Ông Vũ Thanh Tân, đại diện truyền thông Hệ thống siêu thị Big C, cho biết siêu thị tin tưởng biện pháp này sẽ phát huy tác dụng bình ổn thị trường hàng hóa trong thời điểm cuối năm. Còn đại diện Co.op Mart Bình Dương cho biết, năm 2019 siêu thị sẽ dành vốn ngân sách của doanh nghiệp khoảng 356,535 tỷ đồng tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, giá cả hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng mạnh và khó kiểm soát. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương phải nhanh chóng đề ra và thực hiện quyết liệt các phương án bình ổn thị trường hàng hóa trước, trong và sau tết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý liên quan cần phối hợp chặt chẽ nhằm giám sát thị trường, trong đó kiểm tra giá bán các mặt hàng bình ổn theo giá mà doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký. Đối với ngành công thương, cần theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa và có phân tích, dự báo cho những ngày tiếp theo; Chi cục Quản lý thị trường làm đầu mối chính phối hợp với các lực lượng khác tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường...

Bảo đảm ổn định giá

Hiện nay, ngoài việc tổ chức bán hàng bình ổn, các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh còn thực hiện bán hàng lưu động tại các phiên chợ vui chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Trong năm 2018, các siêu thị đã tổ chức phiên chợ tại 30 điểm ở TX.Thuận An, TX.Tân Uyên, các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng và Dầu Tiếng; doanh thu đạt gần 1,5 tỷ đồng.

Về mặt hàng xăng dầu, thuốc trị bệnh cho người cũng được các doanh nghiệp cung ứng đầy đủ cho các đại lý trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa. Ghi nhận cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp đã thực hiện tốt vai trò bình ổn thị trường đã được giao. Nhờ đó, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh không xảy ra biến động lớn về giá cả, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa giả tạo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, chương trình bình ổn thị trường vẫn còn những khó khăn. Trước hết, tại các huyện phía bắc của tỉnh như Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên hiện chưa có siêu thị nên chưa cónơi dựtrữhàng hóa bình ổn thịtrường để phục vụ người dân tại chỗ. Do vậy, nếu xảy ra biến động, khan hiếm hàng hóa thìviệc điều động, vận chuyển hàng hóa đến các địa phương này tốn rất nhiều thời gian.

Lãnh đạo Siêu thị Co.op Mart Bình Dương cho hay, khó khăn hiện nay trong việc cung cấp hàng hóa đến người dân nông thôn trong tỉnh là mạng lưới bán hàng hóa thiết yếu, bình ổn thịtrường (siêu thịmini, cửa hàng tiện ích) chưa được mởrộng đều khắp ởcác huyện phía bắc của tỉnh. Bên cạnh đó, việc tổchức bán hàng lưu động tại các địa phương này chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, hình thức bán hàng bình ổn lưu động hiệu quả không cao nên các điểm bán hàng lưu động có doanh số thấp, không bù đắp được chi phí cho việc tổ chức bán hàng…

“Phát huy những mặt đã làm được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, từ nay đến thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Sở Công thương tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp mở rộng hơn nữa diện phủ sóng của chương trình bình ổn thị trường. Sở cũng đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bên để tạo nguồn hàng ổn định, giá hợp lý hơn… Có như vậy, chương trình bình ổn giá sẽ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới”, ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết.

Trong năm 2018, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và 11 doanh nghiệp, siêu thị tổ chức dự trữ và bán hàng bình ổn thị trường theo đúng kế hoạch, ổn định được giá cả; thị trường hàng hóa phong phú, bảo đảm chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đã thực hiện bán hàng thiết yếu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đạt doanh thu 768,6 tỷ đồng, vượt 1,26% so với kế hoạch.

 

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1679
Quay lên trên