Trước tình hình số ca bệnh Covid-19 liên tục tăng trong những ngày qua, Bình Dương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, cắt đứt nguồn lây bệnh, qua đó bảo đảm thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong giai đoạn tới.
Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong những ngày qua, tỉnh luôn ghi nhận số ca mắc Covid-19 ở mức 2 con số trở lên, riêng ngày 5-7 ghi nhận 131 ca. Số ca mắc tăng nhanh là do tỉnh thực hiện chiến lược xét nghiệm rộng và xét nghiệm nhanh để tìm kiếm ca F0 trong cộng đồng. Những ngày gần đây, ngành y tế tỉnh huy động tổng lực lấy mẫu sàng lọc cộng đồng tại các khu vực có nguy cơ cao với khoảng 120.000 lượt người được lấy mẫu. Hiện nay, ngành y tế vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch cho 1 triệu người dân ở 24 xã, phường có nguy cơ cao, là: TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát.
Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kiểm tra khu cách ly tập trung tại các khách sạn
Với đặc thù là tỉnh có nhiều công ty, xí nghiệp nằm đan xen với các khu nhà trọ, chợ tự phát và dịch bệnh đã xâm nhập trong công nhân, khu nhà trọ nên Bình Dương cũng đặc biệt chú ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh trong khu công nghiệp, doanh nghiệp. Theo hệ thống giám sát y tế, tính đến tối 4-7, tỉnh có 40 công ty, xí nghiệp ghi nhận hơn 500 ca F0, nhiều nhất là hệ thống các Công ty Wanek 1, 2, 4 ghi nhận 328 ca. Thêm nữa, những ngày qua, Bình Dương phát hiện thêm một số ổ dịch, ca bệnh mới tại: Trại tạm giam Bố Lá (xã phước Hòa, huyện Phú Giáo), khu nhà trọ số 36, Đức Tân (khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, TP.Dĩ An), khu nhà trọ số 57 (đường 21, khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, TP.Dĩ An), ca bệnh liên quan Công ty Hansol Vina, ca bệnh liên quan Công ty Spartronic Việt Nam.
Tổng số ca bệnh tại các ổ dịch mới phát hiện là hơn 50 ca, trong đó có 1 ca ghi nhận tại TP.Hồ Chí Minh. Gần đây, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên người dân chủ động đi khám tại các cơ sở y tế do đó tỉnh phát hiện rải rác một số ca mắc trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong thực tế, các ổ dịch trong cộng đồng của Bình Dương đều có nguồn gốc từ TP.Hồ Chí Minh bởi số lượng người giao thương qua lại hàng ngày giữa 2 tỉnh là rất lớn. Ý thức của nhiều người dân trong đợt dịch thứ tư này còn lơ là, chủ quan, không tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, khai báo không trung thực dẫn đến khó khăn cho lực lượng truy vết trong nhận định, xác định nguồn lây bệnh. Và nguyên nhân quan trọng mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Trong đợt dịch thứ 4, các tỉnh phía Nam phải ứng phó với biến chủng Delta từ Ấn Độ với tốc độ lây lan nhanh hơn, chu kỳ lây ngắn (khoảng 2 - 3 ngày), đặc biệt là khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí”.
Cắt đứt nguồn lây, không đứt chuỗi sản xuất
Trên quan điểm thực hiện thành công “mục tiêu kép” của tỉnh, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trước thực tế số ca bệnh tăng, Bình Dương đã triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, cắt đứt nguồn lây bệnh nhưng không cắt đứt chuỗi sản xuất. Khó khăn lớn nhất hiện nay của tỉnh là thiếu các test xét nghiệm, sinh phẩm cho công tác xét nghiệm diện rộng, nhân lực y tế đã huy động tối đa nhưng vẫn không đủ đáp ứng kịp với tình hình dịch bệnh hiện nay. “Trong những ngày qua, Bình Dương liên tục, khẩn trương chỉ đạo các ngành phối hợp nâng cao năng lực cách ly, năng lực xét nghiệm, công tác điều trị, triển khai tiêm vắc xin và đẩy mạnh phân công, phân cấp, xác định rõ vai trò từng cấp, từng ngành, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tránh bị động lúng túng”, ông Nguyễn Lộc Hà cho biết.
Tỉnh cũng được Công ty Việt Á hỗ trợ máy móc, sinh phẩm, nhân lực thực hiện tại CDC tỉnh, mỗi ngày có thể xét nghiệm được 100.000 mẫu đơn (tương đương 1 triệu người nếu gộp mẫu). Tỉnh đã thành lập khu điều trị Covid-19 là Trung tâm ICU (cấp cứu hồi sức) tại cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và không ngừng nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Các bệnh nhân nhẹ ít triệu chứng sẽ được tỉnh điều trị tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị, thành phố.
Tỉnh cũng đang khảo sát thêm Nhà Thi đấu thể dục - thể thao TP.Thủ Dầu Một, ký túc xá Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh làm khu điều trị. Do đó, tổng khả năng điều trị bệnh Covid-19 của tỉnh hiện nay khoảng 2.400 bệnh nhân. Sở Y tế cũng đang khẩn trương lập kế hoạch triển khai tiêm vắc xin khoảng 1 triệu liều cho công nhân, thực hiện giãn cách xã hội mạnh ở TP.Dĩ An. Đặc biệt, tỉnh tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân, cộng đồng, xử lý nghiêm, xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm làm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hiện tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ sinh phẩm, test xét nghiệm… phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Với phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh đã mở rộng các khu cách ly tập trung lên 20.000 - 30.000 giường, thí điểm triển khai cách ly F1 ít nguy cơ tại nhà và xem xét cách ly ngay tại công ty. UBND tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra các khu cách ly để bảo đảm hạn chế lây nhiễm chéo trong khu cách ly, đặc biệt chú ý đến việc giảm mật độ cũng như giãn cách trong các khu cách ly theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
KIM HÀ