Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC:

Tiếp tục xây dựng hạ tầng gắn kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Cập nhật: 18-04-2022 | 07:57:54

 Trong thời gian qua, Tổng Công ty Becamex IDC đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện Becamex IDC đang tăng cường hợp tác chiến lược với các đối tác lớn trong và ngoài nước, đẩy mạnh phát triển mô hình công nghiệp- dịch vụ - đô thị, xây dựng thành công Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hùng xung quanh vấn đề này.

 - Việc thành lập KCN VSIP 1 năm 1996 có nghĩa như thế nào đối với tỉnh Bình Dương và Becamex IDC thời điểm đó, thưa ông?

- Trong quá trình phát triển kinh tế, nhiều năm Bình Dương có tốc độ cao, nổi bật nhất là công nghiệp. Giá trị công nghiệp trong tổng thể kinh tế có giá trị cao nhất của tỉnh. Đặc biệt là VSIP 1, đến nay để lại ấn tượng là KCN hình mẫu, phát triển rất tốt ở Bình Dương. Với sự hợp tác của 2 Chính phủ Việt Nam và Singapore đã tạo điều kiện để các KCN bứt phá. Đến nay Bình Dương có cơ hội phát triển các VSIP trên nhiều tỉnh, thành.

Đối với Bình Dương, những ngày đầu hợp tác, chúng tôi đã học hỏi, trao đổi kinh nghiệm rất nhiều trong phát triển KCN dịch vụ với Singapore. Từ những năm đầu, Becamex IDC đã hình thành đội ngũ tiếp thị và đã tạo lan tỏa đến các doanh nghiệp khác. Đến nay mạng lưới tiếp thị của Becamex IDC đã phát triển rộng đến nhiều nước. Các nước này đã có quan hệ đầu tư với Bình Dương cũng như Việt Nam.

- Becamex IDC sẽ tiếp tục đồng hành, đóng góp với tỉnh các chương trình, dự án gì? Đặc biệt là đóng góp cho sự lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo?

- Ngay từ đầu chúng tôi đã xây dựng nhiều KCN sinh thái để đáp ứng yêu cầu, thu hút các nhà đầu tư. Chúng tôi đã xây dựng được VSIP 1 với hạ tầng rất tốt. Bên ngoài KCN chúng tôi đã đầu tư xây dựng Quốc lộ 13. Đây là trục “xương sống” đầu tiên thu hút các nhà đầu tư đến Bình Dương. Becamex đã xây dựng và phát triển hạ tầng rất tốt.

Ban đầu để thu hút các nhà đầu tư Becamex IDC đã xây dựng ban quản lý một cửa. Đây là một bước đột phá và tôi cho rằng đối với Việt Nam đây là sự cải cách thủ tục hành chính, tạo cho doanh nghiệp có ấn tượng sâu sắc, gần gũi với địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã xây dựng nhiều hệ sinh thái khác liên quan. Ở những KCN phát triển có những khu đô thị, dịch vụ để người dân đến đây làm việc, nâng cao chất lượng sống. Giai đoạn đầu hệ sinh thái này giúp người dân trước đây ở vùng nông nghiệp chuyển đổi sang dịch vụ, đô thị gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi cho rằng mối quan hệ “ba chân” gồm người lao động, doanh nghiệp, Nhà nước rất quan trọng, góp phần nâng cao tay nghề, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, đồng thời tạo sự yên tâm đối với các nhà đầu tư.

Chúng tôi đã tạo được hệ sinh thái rất tốt ở từng KCN, dần dần xây dựng và phát triển ra nhiều KCN, nhất là những KCN lớn ở Bình Dương. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành kết nối trong vùng và đang thực hiện kết nối ngoài vùng, hướng đến những vùng có điều kiện, định hướng mới như sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép (Bà Rịa -Vũng Tàu).

- Để Bình Dương vượt qua bẫy thu nhập trung bình, theo ông Bình Dương cần có những giải pháp nào?

- Thời gian qua, Becamex IDC đã có nhiều khảo sát và thấy Bình Dương còn nhiều vấn đề để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trong đó có những giải pháp quan trọng. Năm 2016, Bình Dương có khởi đầu từ đề án thành phố thông minh (TPTM), đây là bước đột phá rất quan trọng. Trong đề án thể hiện vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, viện trường rất rõ ràng. Trong 5 năm qua, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã thấy Bình Dương có những định hướng mới, có những đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, Becamex tiếp tục phát huy xây dựng hạ tầng mới để đáp ứng yêu cầu gắn kết trong quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo định hướng mới. Bình Dương từ lâu đã có định hướng xây dựng một số cơ sở hạ tầng theo hướng kết nối vùng. Đơn cử, Chính phủ rất quan tâm đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bình Dương đã tham gia được 50%, đây là bước khởi đầu rất quan trọng trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Về vấn đề hạ tầng giao thông, tỉnh đầu tư xây dựng rất lớn, tuy nhiên đâu đó vẫn có hiện tượng ách tắc. Tỉnh đang cùng các sở, ngành huy động các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài để cùng địa phương tham gia phát triển hệ thống giao thông. Đường bộ hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, Bình Dương đang tiếp tục phát triển đường sông, đường sắt. Tôi tin tưởng sẽ giải quyết được vấn đề tiếp theo để bảo đảm tốt hoạt động giao thông trên địa bàn tỉnh.

Đối với Bình Dương qua nhiều năm phát triển công nghiệp, tuy nhiên có những sự thay đổi, làm thế nào để doanh nghiệp có giá thành hợp lý, tiếp tục hoạt động, tôi cho rằng đây là trách nhiệm của Nhà nước để bảo đảm được nguồn nhân lực. Tỉnh đang tiếp tục xây dựng hệ sinh thái mới này. Tại Đại học Việt Đức, Đại học Quốc tế Miền Đông đang xây dựng hệ sinh thái với các phòng Faplap. Thời gian qua Becamex IDC đã có những chương trình đào tạo theo công nghiệp 4.0, kết hợp với các tập đoàn lớn để đầu tư công nghệ đào tạo mới, kết nối được với các doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao nguồn nhân lực ở Bình Dương.

Trong hệ sinh thái mới tôi cho rằng đây là điều rất đặc biệt, chưa có tiền lệ ở Bình Dương và chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Bình Dương đi tắt đón đầu, cố gắng vượt qua thử thách, làm thế nào vừa nâng cao năng lực, vừa nâng cao quản trị hơn nữa, vừa cải tiến công nghệ, áp dụng chuyển đổi của doanh nghiệp. Hiện nay, Becamex IDC đang xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, gắn kết với tập đoàn lớn có những mô hình, đề án chuyển đổi doanh nghiệp. Nếu Bình Dương tạo điều kiện khai thác thế mạnh này, đây chính là bước chuyển đổi ngoạn mục, doanh nghiệp có điều kiện cải tạo tốt những sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm trong hệ sinh thái mới, vấn đề chất lượng, phát triển bền vững của sản phẩm được đặt lên hàng đầu, đây cũng là yêu cầu trong phát triển thương mại toàn cầu.

- Một trong các đột phá để Bình Dương phát triển kinh tế - xã hội là xây dựng thành công TPTM. Theo ông, tỉnh cần có các chương trình, dự án gì để thực hiện được mục tiêu trên?

- TPTM trong giai đoạn tiếp theo cần phải thay đổi, có nhiều cơ hội năng động hơn, sáng tạo hơn, nhiều doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh thấy được hệ sinh thái này chắc chắn đáp ứng được theo các yêu cầu phát triển mới. Đặc biệt, Bình Dương quyết liệt hơn trong vấn đề định hướng phát triển quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trên tinh thần công nghiệp 4.0. Chắc chắn định hướng quy hoạch này cùng tìm ra nhiều giải pháp khác nhau. Trong vấn đề dịch chuyển doanh nghiệp ở vùng phía nam, những doanh nghiệp thâm dụng lao động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường còn gặp khó khăn thách thức, hiện tỉnh cũng đã tìm cách định hướng ở những vùng có điều kiện tốt. Như những vùng phía bắc, tỉnh đang quyết liệt xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn, chắc chắn sẽ có những KCN để bảo đảm sự dịch chuyển này. Muốn doanh nghiệp dịch chuyển, trước hết Bình Dương phải xây dựng được những KCN mới, để sẵn sàng đáp ứng, dư địa còn lại chắc chắn làm quy hoạch định hướng để phát triển dịch vụ, đô thị.

Bình Dương trước đây chưa có KCN, khu đô thị dân cư rất đông đúc, thời gian qua rất khó để cải tạo vấn đề giao thông, điện, thoát nước, ô nhiễm môi trường... Cần cân bằng giữa phát triển công nghiệp cũng như phát triển đô thị và dịch vụ. Tôi nghĩ rằng dư địa này chắc chắn sẽ phục vụ nhu cầu mới, đây là một hệ sinh thái mới rất quan trọng cho định hướng phát triển lâu dài của địa phương.

- Xin cám ơn ông!

Triển khai xây dựng TPTM Bình Dương, thời gian qua Becamex IDC đã có những định hướng phát triển đô thị TOD (lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị), những TOD này sẽ kết nối. Hiện Bình Dương có 3 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An. Trong giai đoạn tới, 3 thành phố này tiếp tục cải thiện hơn sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tỷ trọng phát triển dịch vụ của tỉnh gấp nhiều lần, tạo giá trị gia tăng cực kỳ lớn, phát triển đô thị. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ đột phá để tỉnh phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng phía bắc phải thật tốt, tạo điều kiện để giúp cho 3 thành phố này tiếp tục phát triển tốt, lúc đó văn hóa xã hội, y tế, giáo dục cũng có điều kiện phát triển tốt.

Gần với TP.Hồ Chí Minh là một cơ hội rất lớn cho Bình Dương. Nếu chúng ta tập trung xây dựng kết nối được hệ sinh thái tốt, đặc biệt là Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương có vai trò rất lớn trong kết nối với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có giao lưu thương mại. Định hướng chiến lược quy hoạch mới lĩnh vực dịch vụ này là một trong những mục tiêu phát triển đột phá của tỉnh nhà.

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên