Tiểu đường trong thai kỳ

Cập nhật: 31-01-2012 | 00:00:00

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa tiểu đường thai kỳ đó là tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết dẫn đến tăng lượng đường huyết trong thời kỳ chị em phụ nữ mang thai. Nếu là tiểu đường thai kỳ thật sự thì thường đường huyết trở lại bình thường sau sinh và có khả năng một nửa trong số đó trở thành tiểu đường thực sự trong 5 đến 10 năm sau.

Tiều đường thai kỳ chiếm bình quân từ

 2 - 6% thai phụ, một số nơi có thể cao hơn. Yếu tố chính gây nên bệnh đó là: thừa cân, tuổi tác, tiền căn gia đình trực hệ có người bị

tiểu đường...

Biến chứng

Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ tiền sản giật và mổ lấy thai ở người mẹ, những thai phụ thừa cân hoặc béo phì cũng có nguy cơ tiền động kinh và mổ lấy thai. Do vậy, các thai phụ nếu kết hợp cả tiểu đường thai kỳ và béo phì sẽ làm tăng các nguy cơ nói trên. Còn biến chứng ở trẻ, thai to bất thường là hệ quả thường gặp nhất của bà mẹ mang thai bị tiểu đường.

Làm thế nào phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ?

Việc tầm soát tiểu đường thai kỳ, lý tưởng nhất theo các bác sĩ là phải xác định được những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh. Khuyến cáo tầm soát tiểu đường thai kỳ khi có ít nhất một trong những tiêu chuẩn sau: người mẹ mang thai ở tuổi từ 35 trở lên, chỉ số BMI từ 23 trở lên (dấu hiệu thừa cân), tiền căn gia đình thuộc hệ thứ nhất có người bị tiểu đường, tiền căn bản thân thai phụ đã bị tiểu đường thai kỳ hoặc đẻ con với thai to.

Hiện nay, cũng có trường phái khuyên nên làm đường huyết định kỳ theo lịch khám thai định kỳ nếu có thể. Tuy nhiên, theo khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội Tiểu đường ở Mỹ, tất cả phụ nữ khi mang thai khi đi khám thai lần đầu tiên nên thử đường huyết, tốt nhất là thử máu tĩnh mạch sau 8 - 10 giờ nhịn đói. Nếu kết quả đường huyết lúc đói bình thường, thai phụ vẫn cần thử lại vào lúc thai 24 tuần đến 28 tuần để phát hiện tiểu đường thai kỳ vì giai đoạn này nhau thai đã đủ lớn để tiết ra lượng lớn chất nội tiết gây tình trạng đề kháng insulin.

Theo dõi như thế nào?

Trong lúc mang thai:

Trường hợp tiểu đường thai kỳ ổn định, không có các bệnh lý khác và không yếu tố nguy cơ kèm theo thì việc theo dõi thai định kỳ không khác biệt so với thai kỳ bình thường, nếu có các nguy cơ đi kèm (tăng cân quá nhiều, béo phì, đường huyết không ổn định, tăng huyết áp) thì cần phải kiểm soát huyết áp và nhịp tim thai đều đặn và tăng cường theo dõi hơn nữa khi thai nhi ở tuần thứ 32 trở đi. Và, khi sinh, nên mổ lấy thai trong trường hợp bà mẹ mang thai có bệnh tiểu đường mà trọng lượng thai nhi trên 4.250g hoặc 4.500g. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc việc lợi, hại cụ thể khi mổ bắt thai.

Sau sanh:

Mặc dù đường huyết đã được điều trị ổn định đến bình thường nhưng sau sinh 6 tuần đến 12 tuần vẫn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để tầm soát lại bệnh và nên làm xét nghiệm đường huyết mỗi năm vì có khả năng một nửa số tiểu đường thai kỳ bị bệnh tiểu đường thật sự về sau.

Đối với các thai phụ mang thai lần đầu đã bị tiểu đường thai kỳ thì lần mang thai nên thảo luận với bác sĩ và thực hiện những lời khuyên của bác sĩ vì nguy cơ thai kỳ lần hai bị tiểu đường trở lại rất cao.

NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=342
Quay lên trên