Tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong tình hình mới

Cập nhật: 30-09-2021 | 08:02:27

 Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề đầu ra cho nông sản đang là bài toán khó, nhiều loại nông sản có nguy cơ bị ùn ứ, khó tiêu thụ.

 Sơ chế bưởi da xanh tại HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên)

Nông sản tồn đọng

Chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, một số nơi xảy ra tình trạng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, tồn hàng cục bộ. Giá thịt gia cầm hơi và heo hơi vẫn ở mức thấp, với mức giá này các công ty, cơ sở chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ chậm, sức mua giảm. Giá cả một số mặt hàng nông sản như rau các loại, trái cây có múi bị tồn ứ và giá bán giảm từ 30 - 40%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản nên nhiều mặt hàng ở Bình Dương đã rơi vào tình trạng dư thừa. Cụ thể, hiện nay dư thừa khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ. Trong chăn nuôi, khó khăn nhất vẫn là tiêu thụ sản phẩm gà công nghiệp lông trắng, các sản phẩm trứng nhu cầu giảm nên khả năng tiêu thụ cũng chững lại. Hiện mỗi ngày tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.

Ông Nguyễn Thế Huy Hùng, Giám đốc Nhà máy giết mổ thuộc Công ty TNHH Thực phẩm 3F Việt (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng), cho biết hiện gà công nghiệp tại các trang trại không xuất bán được nhiều và giá rất rẻ. Nguyên nhân là do các cơ sở giết mổ giảm công suất hoặc tạm đóng cửa vì tốn nhiều chi phí vận hành trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh đó sức tiêu thụ giảm do nhiều chợ truyền thống và chợ đầu mối chưa được phép hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết dù những bất cập trong kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được khắc phục một phần, nhưng nhìn chung tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn còn khó khăn. Chuỗi tiêu thụ nhiều loại nông sản có hiện tượng đứt gãy cục bộ, nhất là đối với hàng hóa do người dân sản xuất riêng lẻ, tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối.

Cần chủ động, linh hoạt

Dự báo về tình hình khó khăn của thị trường, Sở NN&PTNT đã tổ chức diễn đàn trực tuyến tìm các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Thông qua diễn đàn để tìm ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho việc tái sản xuất ổn định, hiệu quả, bền vững của các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nguồn cung ứng nông sản thực phẩm vừa bảo đảm các quy định phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Trong đó, giải pháp được đặc biệt quan tâm là phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kết nối, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ như triển khai kênh bán lẻ online trên Facebook/Zalo, giao hàng trực tiếp đến các đầu mối. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp với mục tiêu hỗ trợ ứng dụng các hoạt động giao dịch nhằm mở rộng thị trường một số sản phẩm nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết thời gian qua, ngành nông nghiêp đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, việc dự báo, tổ chức sản xuất trên cây trồng cũng được quan tâm, nhất là trong các hướng dẫn các trang trại, HTX, tổ hợp tác kịp thời điều chỉnh mùa vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Để khôi phục, phát triển kinh tế, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tiếp cận nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn cho tái sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Thế Huy Hùng, Giám đốc Nhà máy giết mổ thuộc Công ty TNHH Thực phẩm 3F Việt: Hiện tại, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời trong sản xuất và tiêu thụ. Lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp cần sớm được tiêm vắc xin đầy đủ. Đồng thời, được hỗ trợ trong việc vay vốn với lãi suất ưu đãi, linh hoạt các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian, để kịp thời tái sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh.

Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình sản xuất và tiêu thụ bưởi của HTX gặp nhiều khó khăn, có thời điểm ùn ứ lên tới 50 tấn hàng. HTX mong được ngành nông nghiệp hỗ trợ về vốn và kỹ thuật trong phương án xây dựng kho lạnh thời gian tới. Có như vậy mới bảo quản được trái cây tốt hơn, kéo dài thêm thời gian.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=576
Quay lên trên