Ngày 12-1, Đoàn kiểm tra đột xuất của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã tiến hành kiểm tra đột xuất về tình trạng sử dụng gia cầm nhập lậu tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội.
Tại nhiều tỉnh khác như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang... lực lượng chức năng liên ngành cũng cũng tăng cường vào cuộc, vừa tuyên truyền, vận động vừa kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra một điểm kinh doanh gia cầm.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thành phố Hà Nội không phát hiện việc sử dụng gia cầm nhập lậu.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, nhất là những quán phở, tiệm cơm, chủ cơ sở đã tự ghi biển khẳng định: Cửa hàng cam kết không sử dụng gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn.
Hoạt động kiểm tra đột xuất trên được triển khai theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm với số lượng ngày càng lớn là nguy cơ gây lây lan bệnh cúm gia cầm, ảnh hưởng xấu đến thị trường, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trong nước.
Tiến sĩ Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong tháng 11-2012, Chi cục quản lý thị trường Lạng Sơn thu giữ thì 100% mẫu thịt, mẫu gan gà nhập lậu đã cho kết quả kiểm tra đều có tồn lưu kháng sinh trong chăn nuôi.
Còn tại Hà Nội, trước đó Chi cục Thú y cũng đã tổ chức kiểm tra, lấy 5 mẫu thịt gà thải loại để kiểm tra dư lượng các chất kháng sinh và hóa chất cấm có thể tồn tại trên thịt gia cầm nhập lậu. Kết quả, 100% số mẫu được kiểm tra đều có tồn dư chất Sulfadiazin - loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu càng trở nên phức tạp. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước, mà còn đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu mở đợt cao điểm ngăn chặn gia cầm nhập lậu đến tháng 2-2013.
Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được các địa phương duy trì thực hiện thường xuyên trong thời gian tới, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 nhằm triển khai Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm tết năm 2013 với chủ đề “Bữa ăn an toàn” (từ ngày 8-1 đến 25-2-2013).
Theo TTXVN