Tỉnh ủy viên, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Mai Thị Dung: Sẽ lấy phiếu tín nhiệm 14 lãnh đạo do HĐND tỉnh bầu và phê chuẩn

Cập nhật: 27-07-2013 | 00:00:00

  Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011- 2016) sẽ tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh trên tinh thần nghị quyết của HĐND năm 2013; thông qua các nghị quyết về quy hoạch tổng thể KT-XH; chế độ, chính sách cho cán bộ dự nguồn; quy định mức thu, quản lý sử dụng phí đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh...

- HĐND tỉnh đánh giá như thế nào về công tác điều hành của UBND tỉnh về tình hình KT-XH trong 6 tháng đầu năm 2013, thưa bà?

- Có thể nói, như định hướng, dự lượng từ đầu năm năm 2013 là tình hình chung trong và ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng UBND tỉnh đã kịp thời, quyết liệt thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn do Chính phủ và Tỉnh ủy chỉ đạo, như đẩy mạnh việc giảm, gia hạn thuế, gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp (DN); tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay, giải quyết các chính sách còn vướng cho DN… Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu cơ bản của tỉnh đều đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, GDP của tỉnh 6 tháng qua tăng trưởng 9,5%, tuy có giảm 0,5% so với năm 2012 nhưng so với cả nước Bình Dương vẫn ở top đầu. Đến nay các DN lớn đều có hợp đồng xuất khẩu đến hết quý IV, lượng hàng tồn kho giảm dần; việc bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ được thực hiện tốt. Thu ngân sách dù mới đạt 48% so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra nhưng kết quả này cũng là sự cố gắng lớn trong điều kiện tình hình khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay. Chúng tôi đánh giá cao công tác điều hành của UBND tỉnh, vừa năng động, sáng tạo, sát với thực tế, gắn với DN, nhân dân, vừa tạo mọi điều kiện để DN, nhân dân đồng hành với UBND, các cấp, các ngành hoàn thành mục tiêu chung. Đặc biệt là trong công tác an sinh xã hội, tỉnh đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết chế độ chính sách cho người nghèo, cận nghèo…    Cử tri trong tỉnh nêu ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri với HĐND tỉnh vừa qua

- Được biết, thời gian qua, Tỉnh ủy đã xây dựng đề án đào tạo nguồn (gọi tắt là Đề án 200) chọn những sinh viên ưu tú tiếp tục theo học làm lãnh đạo các chức danh Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp xã. Việc bố trí việc làm cũng như chế độ cho những cán bộ này đang được thực hiện ra sao?

- Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc đào tạo 200 cán bộ nguồn cho các xã, phường, thị trấn, đề án này đã thực hiện và đã bế giảng một lớp với 86 học viên. Hiện 62 học viên đã bố trí công việc cụ thể, còn lại 24 học viên dự kiến sẽ bố trí ở các chức danh công chức của các xã trong năm nay, thay thế các cán bộ hạn chế về năng lực, nghỉ hưu theo chế độ hoặc chuyển lên cấp trên. Về chế độ và lương, nếu giữ chức vụ nào được hưởng lương, chế độ theo chức danh đó. Nếu bố trí các ngành như cán bộ tư pháp chẳng hạn thì các cán bộ này được hưởng lương, chế độ công chức của xã do ngân sách của địa phương chi trả. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ có nghị quyết về vấn đề này.

- Ngoài những nội dung trên, kỳ họp HĐND tỉnh lần này có gì mới so với kỳ họp trước đây?

- Một nội dung mới đó là, HĐND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Đối với tỉnh Bình Dương, sau khi Nghị quyết 35 ra đời, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND các cấp thực hiện Nghị quyết 35. Hướng dẫn các đại biểu giữ các chức vụ do HĐND bầu, phê chuẩn viết báo cáo trình trước HĐND; hướng dẫn cách thức tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Dự kiến tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ lấy phiếu tín nhiệm cho 14 cán bộ lãnh đạo của HĐND và UBND tỉnh.

Hiện nay, HĐND các cấp huyện, xã đã triển khai cách làm này và tôi nhận thấy rằng, việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm có ý nghĩa hết sức sâu sắc, thể hiện được vai trò giám sát của cơ quan dân cử; giúp cho những người giữ các chức vụ do HĐND bầu và phê chuẩn xem lại, đánh giá lại mình trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn; đồng thời, đây là cơ sở để đánh giá tác phong đạo đức, lối sống, phong cách của người cán bộ trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là dịp để thấy được những gì đại biểu còn hạn chế, những mặt cần chấn chỉnh trong thời gian tới để làm tròn trách nhiệm với cử tri.

- Bước vào kỳ họp này, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh đối với những vấn đề cử tri bức xúc được thể hiện như thế nào?

- Theo luật định, trước kỳ họp, HĐND phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức cho đại biểu gặp gỡ cử tri. Theo đó, đã tổ chức tại 72 điểm trong toàn tỉnh, trên 4.000 cử tri tham dự, trên 1.000 ý kiến phát biểu. Qua phân loại, có trên 90% ý kiến cần trả lời thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, khoảng 70 ý kiến thuộc thẩm quyền của tỉnh. Trong đó, các ý kiến tập trung vào những vấn đề bảo vệ, xử lý những ảnh hưởng đến môi trường, an toàn giao thông, về quy hoạch, thực hiện quy hoạch, giải tỏa đền bù, điện, y tế, giáo dục, chính sách cho người có công...

Từ các ý kiến của cử tri, từng tổ đại biểu đã tiến hành họp thống nhất đánh giá giải pháp giải quyết. Một số vấn đề liên quan cấp tỉnh, HĐND tỉnh sẽ chất vấn đến từng sở, ban, ngành cụ thể. HĐND cũng đề nghị UBND tỉnh phân công các sở ngành chuyên môn trả lời bằng văn bản cho cử tri, đồng thời trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại hội trường kỳ họp này. Sau kỳ họp, những ý kiến được trả lời và được thống nhất, HĐND tỉnh sẽ tiến hành tiếp xúc cử tri và thông báo cho cử tri.

- Bà có thể cho biết thêm tại kỳ họp lần này, đại biểu HĐND tỉnh sẽ chất vấn trực tiếp tại hội trường lãnh đạo những sở ngành nào?

- Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ chất vấn 3 sở: Kế hoạch-Đầu tư, Giáo dục - Đào tạo và Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ trả lời xung quanh vấn đề: quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở…; Sở Giáo dục - Đào tạo trả lời các vấn đề giải quyết trường lớp cho con em học hành. Đây là vấn đề cử tri hết sức quan tâm, vì hiện toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp, trong đó có 24 khu đi vào hoạt động, trên 800.000 lao động đến làm việc kéo theo nhiều vấn đề giáo dục phải giải quyết, đặc biệt là mầm non và tiểu học. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, hiện 7 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có trường dạy nghề nhưng chưa thu hút được người lao động theo học; bên cạnh đó, các chính sách cho người nghèo, cận nghèo, quy định cho người có công vẫn còn nhiều vướng mắc… là những vấn đề cần được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời thỏa đáng.

Tất cả chất vấn này sẽ được gửi đến cử tri qua chương trình truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương.

- Xin cảm ơn bà!

HÒA NHÂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=621
Quay lên trên