Hành vi không đội MBH khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Đội mũ giả mạo MBH sẽ bị phạt như hành vi không đội MBH.
Theo kế hoạch, chiến dịch được thực hiện từ 15-3 đến 15-6- 2013 với chủ đề: “Đội MBH đạt chuẩn để bảo vệ chính mình”, với các nội dung được tập trung tuyên truyền là các quy định xử phạt hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH không đạt chuẩn chất lượng, mũ giả mạo MBH; cách nhận biết và phân biệt mũ giả MBH (mũ giả MBH là những loại mũ không có tem hợp quy CR hoặc không đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm bảo vệ (xốp cứng) và quai đeo) và MBH đạt chuẩn theo quy định của pháp luật; cách sử dụng MBH theo quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; cảnh báo các tác hại và hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ giả MBH khi tham gia giao thông.
Việc tuyên truyền cho chiến dịch này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo viết, báo mạng…) dưới hình thức tin, bài; phóng sự; chuyên mục; clip; các thông điệp của Ủy ban ATGT quốc gia. Tuyên truyền trực quan: thông qua xây dựng các cụm cổ động, pano, áp phích, băng rôn, tờ rơi, diễu hành…Ra quân xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh buôn bán MBH giả, nhập lậu trên thị trường. Về mặt hàng: các loại MBH giả, không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại MBH nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và các vi phạm tập trung kiểm tra, xử lý gồm: vi phạm về đăng ký kinh doanh; vi phạm về chế độ hóa đơn, chứng từ; vi phạm về chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm về địa điểm kinh doanh và trật tự ATGT.
Đối tượng kiểm tra của chiến dịch này là các cơ sở kinh doanh, buôn bán MBH, MBH giả kể cả bán hàng rong, bán hàng lưu động; các đơn vị sản xuất, nhập khẩu MBH; các đối tượng vận chuyển, tàng trữ MBH giả. Địa bàn, khu vực cần tập trung kiểm tra gồm các địa bàn đông dân cư; thành phố, thị xã, thị trấn, các trục đường giao thông chính. Qua kiểm tra sẽ xử lý nghiêm, triệt để các vi phạm về kinh doanh MBH giả. Áp dụng các biện pháp kiên quyết để xử lý vi phạm (tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, truy tố hình sự các vụ việc có đủ yếu tố cấu thành tội phạm…). Bên cạnh đó, các hoạt động bổ trợ sẽ được thực hiện song song như: tổ chức cam kết giữa các nhà sản xuất MBH về sản xuất MBH đạt chuẩn bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý, mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với đặc điểm khí hậu và tâm lý lứa tuổi của người Việt Nam; Tổ chức cam kết giữa Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố với các cửa hàng bán MBH trên địa bàn, cam kết bán MBH đạt chuẩn; Tổ chức các điểm đổi MBH không đạt chuẩn lấy MBH đạt chuẩn, có trợ giá cho người đội mũ.
Trong quá trình thực hiện chiến dịch, các lực lượng chức năng sẽ ra quân tuyên truyền, vận động, nhắc nhở đối với hành vi đội MBH giả, mũ không bảo đảm chất lượng và xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách khi đi mô tô, xe máy. Các trường hợp đội MBH giả, MBH không bảo đảm chất lượng khi đi mô tô, xe máy được các lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở và vận động sử dụng MBH đạt chuẩn. Xử phạt nghiêm hành vi không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách khi đi mô tô, xe máy…
Khi tham gia giao thông trên đường bộ bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy thì người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy có trách nhiệm:
Sử dụng đúng MBH đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy CR theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN, không được sử dụng mũ giả MBH.
Đội MBH, cài quai đúng quy cách: Kéo quai MBH sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm; Sau khi đội MBH cần kiểm tra lại bằng cách: dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ phải không được bật ra khỏi đầu.
Để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, Ban ATGT tỉnh đã đề nghị các cơ quan thành viên, các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chiến dịch đội MBH đạt chuẩn chất lượng và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức phát động, sơ kết chiến dịch đồng thời kiểm tra các địa phương triển khai chiến dịch. Văn phòng Ban ATGT tỉnh đã và đang cung cấp các thông điệp phát thanh, truyền hình, các phóng sự chuyên sâu, slogan; thiết kế mẫu banner, poster, fly, phướn, tờ rơi sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh; tổ chức các hoạt động truyền thông trong toàn bộ chiến dịch. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Dương xây dựng các phóng sự về MBH đạt chuẩn, các phóng sự tuyên truyền, phát sóng các thông điệp, các phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Phối hợp với Ban ATGT các huyện, thị xã, TP.TDM cung cấp thông điệp sử dụng MBH đạt chuẩn phát trên hệ thống phát thanh phường, xã, thị trấn. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức ký cam kết với các nhà sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu MBH đạt chuẩn.
Riêng các ban, ngành, đoàn thể như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Công Thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Dương, Ban ATGT các huyện, thị xã, TP.TDM cũng được giao những nhiệm vụ thiết thực, cụ thể, giúp cho chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất góp phần làm giảm hậu quả cho người bị TNGT do sử dụng MBH không bảo đảm chất lượng.
BÌNH MINH