Qua tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 48-TC/TW ngày 22-10- 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 48), Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tặng giấy khen cho 16 tập thể, 30 cá nhân có thành tích xuất sắc.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 48 thể hiện công tác tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm thường xuyên được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện. Đây được xác định là một trong những công tác quan trọng nhằm phát huy sức mạnh toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong 10 năm, các ban ngành, đoàn thể tỉnh đã phối hợp tổ chức hơn 3.000 lớp tập huấn với 250.890 lượt người tham gia với các nội dung về phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS, phòng chống xâm hại trẻ em, bình đẳng giới... Tổ chức tuyên truyền, lồng ghép nội dung phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được 169.970 cuộc, có 5.450.100 lượt người tham dự. Tổ chức hơn 5.000 buổi phổ biến pháp luật trực tiếp, hội nghị, tọa đàm, thu hút 890.238 lượt người tham dự...
Đặc biệt các mô hình tự quản, các tổ chức quần chúng tự nguyện tham gia phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự từng bước được củng cố và hoạt động nề nếp hơn. Đến nay toàn tỉnh có 69 mô hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Nhiều mô hình tiêu biểu phát huy tác dụng tốt, trong đó có 2 mô hình được Bộ Công an thông báo điển hình toàn quốc, đó là: Mô hình “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”, hiện có 91/91 xã, phường, thị trấn thành lập câu lạc bộ với 3.188 thành viên; mô hình “Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự trong doanh nghiệp”.
Qua phát động phong trào, quần chúng nhân dân đã cung cấp được 25.460 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng điều tra khám phá 8.730 vụ, bắt xử lý 17.949 đối tượng; bắt, vận động đầu thú được 1.314 đối tượng truy nã.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên toàn tỉnh đã huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức quần chúng và nhân dân vào công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt là trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, địa bàn tập trung dân cư. Nhiều mô hình phòng chống tội phạm được xây dựng, hoạt động có hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng. Những tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực trong việc phát hiện, điều tra tội phạm được động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng; có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với các tập thể, cá nhân bị thương, hy sinh hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia công tác này. Công tác hỗ trợ những người lầm lỗi đã cải tạo tốt để sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng được quan tâm với nhiều hình thức, cách làm phong phú, thiết thực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, ghi nhận, thường xuyên củng cố, nhân rộng và tăng cường lãnh đạo, tạo điều kiện nhằm bảo đảm các mô hình hoạt động đúng hướng, phát huy hiệu quả.
L.T.PHƯƠNG