TP.HCM: Sốt xuất huyết gia tăng, xuất hiện nhiều ca bệnh nặng

Cập nhật: 01-08-2023 | 14:26:37

Đoàn kiểm tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra một điểm nguy cơ trên địa bàn huyện Nhà Bè.

Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm tháng 3 đến tháng 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.

Đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn.

Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam: Sốt xuất huyết gia tăng, xuất hiện nhiều ca bệnh nặng

Trong tháng 7 năm nay, sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam đã tăng cao hơn so với dự báo. Đặc biệt là xuất hiện nhiều ca bệnh nặng ở cả người lớn và trẻ em.

Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong tuần qua, đơn vị này tiếp nhận một bé trai 5 tháng tuổi, (nặng 11kg, trú tại tỉnh Bình Thuận) trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng.

Trước đó, bệnh nhi sốt cao liên tục 3 ngày, đến ngày thứ 4 bớt sốt nhưng ói ra dịch nâu, bụng chướng, nổi chấm xuất huyết trên da và được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương.

Kết quả các xét nghiệm cho thấy, trẻ bị cô đặc máu với dung tích hồng cầu 48% (bình thường chỉ 30-35%), tiểu cầu giảm.

Ngay lập tức, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng và được điều trị chống sốc theo phác đồ.

Tuy nhiên, do cơ địa trẻ dư cân béo phì (ở độ tuổi này, cân nặng tiêu chuẩn của trẻ chỉ ở mức 6-7kg), rất khó tiếp cận đường truyền, các bác sỹ tuyến dưới hội chẩn, chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được điều trị tích cực bằng dung dịch cao phân tử Dextran dựa theo cân nặng điều chỉnh để chống sốc.

Diễn tiến bệnh những ngày sau đó rất phức tạp, trẻ biểu hiện sốc kéo dài, suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa, toan chuyển hóa, hạ đường huyết.

Các bác sỹ phải liên tục điều trị chống sốc, sử dụng thuốc vận mạch, hỗ trợ gan như điều chỉnh đường huyết, điện giải, kiềm toan, tiêm vitamin K1, điều trị rối loạn đông máu bằng truyền huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh và tiểu cầu đậm đặc.

Đến ngày thứ 7, bệnh nhi sốt cao đột ngột, xét nghiệm máu thấy phản ứng viêm tăng cao nên được sử dụng thêm thuốc điều hòa miễn dịch. Sau gần 2 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, hết sốt, được cai thở oxy, bú khá.

“Đây là trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng rối loạn đông máu, tổn thương các cơ quan xảy ra ở cơ địa trẻ nhũ nhi dư cân, gây khó khăn cho các bác sỹ trong việc ra quyết định điều trị thích hợp,” bác sỹ Nguyễn Minh Tiến nhận xét.

Tuần qua, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận hai trường hợp sốt xuất huyết rất nặng, trong đó, có một bệnh nhân rơi vào tình trạng tái sốc sốt xuất huyết nhiều lần. Trường hợp còn lại bị suy chức năng gan nặng.

Bác sỹ Trương Ngọc Trung, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn cho biết, tổn thương gan là biểu hiện nặng của bệnh sốt xuất huyết Dengue, do sốt xuất huyết Dengue có khả năng tấn công trực tiếp lên gan hoặc thông qua các cơ chế miễn dịch.

Do đó, khi chẩn đoán hoặc nghi ngờ bị sốt xuất huyết, bệnh nhân phải được theo dõi kỹ và tái khám. Bệnh nhân có sốt cao liên tục trên hai ngày nên tiếp cận cơ sở y tế sớm, lưu ý giai đoạn nguy hiểm thường là bệnh nhân đã giảm sốt hoặc không sốt nữa.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần 29 (17-23/7), địa bàn ghi nhận 256 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước đó. Để phòng bệnh, người dân cần tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành Y tế.

Hà Nội khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là với bệnh sốt xuất huyết

Ngày 31/7, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng 7, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục giảm mạnh.

[TP.HCM: Sot xuat huyet gia tang, xuat hien nhieu ca benh nang hinh anh 2] Nhân viên y tế quận Hoàng Mai hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, xử lý khu vực muỗi có thể phát triển sinh sản tại hộ gia đình. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cộng dồn từ đầu năm đến 18 giờ ngày 23/7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 19.500 ca mắc COVID-19, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Tính từ đầu mùa dịch, Hà Nội ghi nhận 1.656 nghìn ca mắc COVID-19, trong đó, có 1.346 người đã tử vong, chiếm 0,08% tổng số người mắc.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thêm, các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết Dengue có xu hướng tăng trong những tuần gần đây khi xuất hiện thêm ổ dịch mới, một số khu vực có ổ dịch cũ diễn biến dịch phức tạp.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC), trong 4 tuần vừa qua, có thêm 697 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố ghi nhận 1.114 ca mắc (không có trường hợp tử vong), gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 285/579 xã, phường, thị trấn. Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Thành phố đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Trước tình hình đó, thành phố tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và cơ sở y tế; thường xuyên giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao.

Ngoài ra, bệnh tay chân miệng giảm 64 ca so với tháng trước, trong tháng 7, thành phố ghi nhận 179 ca mắc, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 961 ca mắc, không có trường hợp tử vong.

Cũng trong tháng 7, thành phố ghi nhận 103 ca mắc mới thủy đậu, cộng dồn từ đầu năm tới nay, Hà Nội ghi nhận 1.878 ca mắc, không có trường hợp tử vong. Các dịch bệnh khác như dại, sởi và viêm não Nhật Bản, ho gà... được kiểm soát tốt, không ghi nhận ổ dịch.

Ngành y tế Thủ đô tăng cường tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh, dấu hiệu nhận biết, cách phòng bệnh để người dân biết, tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, ngành tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và cộng đồng.

Sở Y tế đã chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở chủ động làm tốt các hoạt động như: Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch; diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường; phun hóa chất tại khu vực ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức về điều trị bệnh; phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền đáp ứng đầy đủ khi số bệnh nhân gia tăng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngành y tế huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đoàn thể và nhân dân cùng tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh; triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm "4 tại chỗ" đồng bộ, hiệu quả, hạn chế thấp nhất hậu quả do dịch bệnh gây ra ngay tại cơ sở.

Bà Trần Thị Nhị Hà khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, lơ là với bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu, hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, phòng muỗi đốt./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=587
Quay lên trên