Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn tỉnh đã có 46/49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (có 1 xã đã chuyển thành phường, 2 xã đã chuyển thành thị trấn); 3 xã còn lại đều đạt từ 16 - 18 tiêu chí NTM. Kiên trì thực hiện chủ trương ban đầu của lãnh đạo tỉnh là không chạy theo hình thức, quyết tâm chú trọng đến chất lượng xây dựng NTM nên chương trình xây dựng NTM của Bình Dương đã có những bước đi vững chắc, đúng hướng. Điểm đáng chú ý, đến nay không có địa phương nào trong tỉnh xảy ra hiện tượng nợ công trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chương trình xây dựng NTM.
Cách làm hiệu quả
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để chương trình xây dựng NTM đi vào cuộc sống, các nội dung xây dựng NTM đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết này, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung tay xây dựng NTM” và được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Bên cạnh đó, việc xây dựng NTM trong toàn tỉnh đang từng bước đưa đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn xích gần với thành thị, người nông dân ngày càng có điều kiện tốt hơn để tiếp cận những dịch vụ xã hội; cuộc sống văn minh đang đến với người dân nông thôn, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.
Nhiều con đường “Ý Đảng lòng dân” được xây dựng khi các xã trong tỉnh thực hiện xây dựng NTM. Trong ảnh: Một tuyến đường giao thông nông thôn tại xã An Tây, TX.Bến Cát được hoàn thành sớm nhờ người dân trên địa bàn hiến đất, góp công lao động. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Bên cạnh đó, trong xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, các hạng mục như y tế, trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, chợ… đều được tỉnh và các địa phương trong tỉnh cân nhắc, triển khai phù hợp, đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn khi xây dựng nhà văn hóa, tỉnh không nhất thiết phải xây dựng nhà văn hóa riêng tại mỗi ấp, khi mà tỷ lệ hội họp ở đây không nhiều và có thể tận dụng trụ sở UBND hoặc văn phòng ấp; không nhất thiết phải xây dựng bằng được, cho có công trình để đủ tiêu chí NTM mà không mang lại hiệu quả và gây lãng phí...
Có thể thấy, trong những năm qua toàn tỉnh đã huy động tốt các nguồn lực để phục vụ xây dựng NTM. Kết quả nổi bật là việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Số liệu thống kê cho thấy, đến tháng 6-2018, thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM trong tỉnh đạt 58 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,62% (theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh).
Song song với việc triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Trung ương ban hành, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có thể kể đến như chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản của tỉnh; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; chính sách hỗ trợ cán bộ làm công tác xây dựng NTM... Những chính sách này đã góp phần tác động tích cực trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trong toàn tỉnh.
Nhiều thành tựu
Bằng sự nỗ lực và quyết tâm, chung sức của toàn tỉnh trong xây dựng NTM, năm 2015 huyện Dầu Tiếng được công nhận đạt chuẩn NTM, năm 2016 TX.Tân Uyên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, năm 2018 TX.Bến Cát đã trình hồ sơ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM cho BộNông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong toàn tỉnh là hơn 6.318 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 45,29%, vốn doanh nghiệp 8,33%, vốn cộng đồng dân cư 15,74%, vốn tín dụng 27,47%, còn lại là vốn khác. |
Có thể khẳng định, Chương trình xây dựng NTM đã tạo sự đổi mới quan trọng ở các xã nông thôn trong tỉnh. Kết quả nổi bật là đến nay tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa đạt 90% (trong đó tỷ lệ bê tông, nhựa hóa chiếm 60%), các đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 90% chiều dài đường trục thôn xóm được cứng hóa, 90% chiều dài đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, các tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện quanh năm. Về điện, đến nay tỷ lệ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia trong toàn tỉnh đạt 99,98%. Về giáo dục, trên địa bàn các xã trong tỉnh có 114/172 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 66,28%; các huyện, thị đều duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, bảo đảm 100% trẻ em đến độ tuổi đi học được đến trường.
Trong khi đó, cơ sở vật chất ngành y tế cũng được tỉnh đầu tư nâng cấp và mở rộng đều ở các tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có bác sĩ phục vụ, số xã đạt chuẩn về y tế đạt 100%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%; 100% xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã, nhà văn hóa và khu thể thao ấp đạt chuẩn.
Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng NTM
Hiện toàn tỉnh còn 3 xã đã đạt từ 16 - 18 tiêu chí NTM, đang phấn đấu hoàn thành xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018. Tỉnh phấn đấu trong năm 2019 có 5 - 7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện, thị đạt chuẩn NTM lên 5 huyện, thị; đến năm 2020 có từ 12 - 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu, có 6/7 huyện, thị đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đối với TX.Thuận An còn 1 xã nên không làm hồ sơ đề nghị công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM).
Nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp cơ sở và nhân dân nắm vững mục tiêu, phương pháp xây dựng NTM nhằm phát huy vai trò chủ đạo của nhân dân trong thực hiện xây dựng NTM tại địa phương.
Bên cạnh đó, các xã đã đạt chuẩn NTM trong tỉnh phải tiếp tục thực hiện và hoàn thiện, nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí NTM, từng bước thực hiện đạt xã NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, ngành chức năng của tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá, xác định các tiêu chí và tham mưu xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Bà Hồ Thị Quang Ngọc, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh, cho biết quá trình xây dựng NTM của Bình Dương đã rút ra nhiều bài học quan trọng, đó chính là xây dựng NTM là quá trình lâu dài nên không thể vội vàng huy động một lúc tối đa nguồn lực. Chính vì vậy, để đạt kết quả cao trong xây dựng NTM phải có sự bàn bạc thống nhất giữa Nhà nước và nhân dân để thực hiện các công trình, dự án ưu tiên hoàn thành trước, làm rõ nhiệm vụ của Nhà nước và nhân dân; cùng với đó triển khai các đồ án, đề án để người dân hiểu rõ và đồng thuận góp công, vật chất để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đồng thời, xây dựng NTM, tỉnh luôn lấy người dân làm trọng tâm, các công trình xây dựng, nhất là giao thông nông thôn phải công khai, dân chủ trên cơ sở dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi, từ đó tạo sự đoàn kết, đồng lòng cùng nhau góp sức xây dựng NTM.
QUỲNH NHIÊN