Bài 4: Hướng tới nền công nghiệp xanh, thông minh, bền vững
Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn tỉnh nhà nhận lãnh sứ mệnh tiên phong, xây dựng, phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau. Mong muốn, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ cũng chính là mục tiêu, kỳ vọng và sự đồng lòng, dốc sức thực hiện của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình VSIP III vừa được khởi công xây dựng. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Nền tảng vững vàng, lan tỏa
Xuất phát điểm của Bình Dương nhiều người đã biết với nền kinh tế thuần nông, công nghiệp, dịch vụ thời điểm hơn 25 năm trước hầu như chưa có gì nổi trội để nói nhiều. Sau 25 năm dốc sức xây dựng, phát triển với hàng loạt quyết sách táo bạo, phù hợp xu thế, kiên trì với mục tiêu đã lựa chọn, Bình Dương đã thành công, xứng danh là một trong những tỉnh, thành có nền kinh tế mạnh nhất cả nước, đặc biệt là kinh tế công nghiệp.
Bước đột phá công nghiệp của Bình Dương là từ những năm giữa thập niên 90 thế kỷ trước. Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần I quy mô, hiện đại ra đời là điểm khởi đầu, mang tính tiên phong, đột phá, tạo đòn bẩy cho chuỗi phát triển hàng loạt các KCN tầm cỡ về sau của Bình Dương. Tính đến thời điểm kết thúc năm 2021, Bình Dương hiện có 29 KCN tập trung với quỹ đất sạch lên tới khoảng 13.000ha, trong đó đã có 27 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khoảng 89%, không ít KCN lấp đầy 100% diện tích. Bên cạnh đó Bình Dương còn có 8 cụm công nghiệp tập trung, đồng bộ hạ tầng, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư.
Phát biểu tại lễ động thổ VSIP III, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc khởi công KCN VSIP III là hoạt động quan trọng và đầy ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương. Thủ tướng Chính phủ tin tưởng dự án thành công không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương mà còn cho khu vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề cho nền công nghiệp 4.0, phát triển bền vững, xây dựng nền tảng tăng trưởng mới cho Việt Nam. |
Bình Dương có trên 55.000 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đầu tư gần 550.000 tỷ đồng, hơn 4.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư hơn 39,4 tỷ đô la Mỹ. Tiềm lực đó thể hiện sức phát triển mạnh mẽ, bền vững của kinh tế tỉnh nhà trong chặng đường 25 năm qua. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong những chuyến thăm và làm việc với Bình Dương trên cương vị Thủ tướng Chính phủ đã từng đặt ra kỳ vọng Bình Dương trở thành đầu tàu phát triển kinh tế mạnh nhất cả nước, giữ vai trò dẫn dắt kinh tế cả nước và cả vùng. Quả thực bao năm qua, Bình Dương đã thể hiện được phần nào vai trò, vị thế đó bằng tiềm lực hiện có.
Minh chứng sống động nhất đó là công nghiệp của Bình Dương đã lan tỏa mạnh mẽ ra địa bàn cả nước với hàng loạt KCN VSIP đứng chân ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, rồi Khu liên hợp công nghiệp, đô thị Becamex - Bình Phước… Chắc chắn một điều rằng, sức lan tỏa, dẫn dắt của công nghiệp Bình Dương không dừng lại ở đó, không bó hẹp trong hai doanh nghiệp lớn là Becamex IDC và VSIP, bởi hàng chục ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh ra các tỉnh thành bạn và cả thị trường các nước.
Vươn tầm công nghiệp 4.0
Sau một chặng đường thu hút đầu tư để phát triển, công nghiệp Bình Dương hôm nay đã chuyển hướng, đi vào sự phát triển bền vững bằng những ngành nghề kỹ thuật hiện đại, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Chuẩn bị cho bước đột phá mới, từ cuối năm 2016, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển để trở thành một thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo. Các nhân tố cốt lõi để xây dựng thành phố thông minh đó là con người, công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và hạ tầng cơ sở, môi trường đầu tư. Cả 4 yếu tố không đứng riêng lẻ mà cùng đóng góp cho một Bình Dương sáng tạo hơn, mạnh mẽ, bền vững hơn. Hiện thực hóa mục tiêu mang tầm phát triển cao đó, Bình Dương nhanh chóng xây dựng, triển khai những đề án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, KCN khoa học - công nghệ, hình thành nền kinh tế số nhằm thu hút, mời gọi hàm lượng tri thức, chất xám, khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước hội tụ, cùng phát triển.
Hình mẫu phát triển và minh định cho sự đột phá theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững không thể không nhắc đến thương hiệu VSIP, hình thành từ sự hợp tác giữa 2 Chính phủ Singapore và Việt Nam do Bình Dương làm đại diện. Từ KCN Việt Nam - Singapore I (VSIP I) tại TP.Thuận An, Bình Dương, đến nay VSIP đã phát triển 11 dự án KCN ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài VSIP I, ngay tại địa bàn Bình Dương còn có VSIP II và VSIP III vừa được khởi công xây với quy mô 1.000ha, tổng mức đầu tư hạ tầng hơn 6.400 tỷ đồng. Cần biết, VSIP là nhà phát triển hạ tầng KCN hàng đầu Việt Nam với hàng loạt KCN xanh, kiểu mẫu, hiện đại. Quy mô của VSIP thực sự lớn, với 11 dự án KCN, quỹ đất 10.000ha, đã thu hút vốn đầu tư 17 tỷ đô la Mỹ, với 880 công ty đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải quyết việc làm cho 295.000 lao động. Các VSIP tại Bình Dương tới thời điểm hiện tại đã thu hút 8,3 tỷ đô la Mỹ, 584 dự án đầu tư, tạo ra 149.000 việc làm cho người lao động, không chỉ là người dân Bình Dương.
Không riêng các VSIP, các KCN hiện hữu cũng như sắp hình thành tại Bình Dương cũng đã có sự chuyển hướng, nâng tầm bằng việc lựa chọn, mời gọi các đối tác tầm cỡ, giàu kinh kiệm, tiềm lực vốn liếng cũng như trình độ khoa học, công nghệ. Tất cả chính là minh chứng về một nền kinh tế đột phá mạnh mẽ vào công nghiệp 4.0, thông minh, bền vững.
TRIỆU PHONG