Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, vốn được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ người tiền nhiệm, ông Abe Shinzo, nhưng với việc dồn trọng tâm vào khu vực nông thôn và khả năng lãnh đạo hậu trường, ông có thể trở thành yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ cải cách nền kinh tế.
Mức độ thành công của ông sẽ quyết định liệu Abenomics, gói các biện pháp mà ông Abe đã đưa ra vào đầu năm 2013, có trở thành Suganomics hay không.
Khi ông Abe nhậm chức vào tháng 12-2012, ông đã quảng bá cách tiếp cận "3 mũi nhọn" để vực dậy nền kinh tế bị trì trệ trước đó của Nhật Bản. Ông đã khá thành công trong việc thúc đẩy Ngân hàng Trung ương bơm lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế để đưa Nhật Bản thoát khỏi vòng xoáy giảm phát đang làm giá trị tài sản và thu nhập bị hạ thấp khiến tiêu dùng suy giảm.
Tân Thủ tướng Suga Yoshihide được cho là có tầm ảnh hưởng đáng kể.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương không đạt được mục tiêu mong muốn là duy trì tỷ lệ lạm phát hằng năm ở mức 2%, nhưng đã giúp giữ cho giá tiêu dùng không tiếp tục giảm xuống. Ông Abe cũng thúc đẩy chi tiêu của chính phủ để tạo ra kích thích tài chính, mặc dù cái giá phải trả là khiến nợ công vốn đã cao kỷ lục của Chính phủ Nhật Bản tăng cao hơn nữa, tỷ lệ nợ công trên GDP của Nhật Bản cao gấp đôi so với Mỹ.
Tuy nhiên, đây là những biện pháp tương đối dễ dàng với ông Abe khi sử dụng các công cụ sẵn có trong tay chính phủ. Cải cách cơ cấu dường như khó khăn hơn nhiều. Là nhân vật thứ hai trong chính phủ của cựu Thủ tướng Abe trong suốt hơn 7 năm, ông Suga đóng vai trò quan trọng trong các chính sách chính phủ, trong đó có cả chương trình Abenomics.
Một trong những mục tiêu của nó là Hợp tác xã nông nghiệp Nhật bản, một mạng lưới rộng lớn các hợp tác xã kiểm soát gần như mọi thành phần nông nghiệp của Nhật Bản. Cơ quan này thu xếp các khoản vay, bán hạt giống và phân bón với giá cao và điều phối thị trường nội địa của hầu hết mọi loại nông sản. Quan trọng hơn cả là cơ quan này tạo ra một hành lang bảo vệ nông dân và đưa ra mức thuế cao ngất ngưởng khiến Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ nhất.
Với 85% nông dân trồng lúa, thuế nhập khẩu gạo từ nước ngoài của Nhật Bản là 778%. Tuy nhiên, khi dân số nông nghiệp tiếp tục giảm, cùng với việc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền không còn phụ thuộc vào các lá phiếu ở khu vực nông thôn để nắm giữ quyền lực nữa, thì ảnh hưởng chính trị của Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản bắt đầu suy giảm.
Với việc ông Suga trở thành người đứng đầu đất nước, những người vận động hành lang trong lĩnh vực nông nghiệp lo ngại rằng nhiều thay đổi hơn nữa sẽ xuất hiện. Ông Suga không muốn dành nhiều thời gian để tiếp tục cải cách ở phạm vi rộng hơn. Ông được cho là đang nhắm vào một số thói quen của chính phủ, bao gồm việc sử dụng con dấu cá nhân trên các tài liệu và việc sử dụng máy fax, vốn được coi là cần thiết để gửi tài liệu với con dấu phù hợp và hiện vẫn được 95% công ty Nhật Bản sử dụng.
Trong cuộc họp báo tại lễ nhậm chức của mình, ông Suga Yoshihide đã nói rằng ông sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện cải cách bằng cách xóa bỏ chủ nghĩa quan liêu cục bộ, các nhóm lợi ích bất di bất dịch và thói quen xấu là làm theo tiền lệ.
Ông Suga đã chỉ định Bộ trưởng Quốc phòng Kono Taro đầy nhiệt huyết làm Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính. Có vẻ như nhìn bề ngoài thì đây như một sự "đi xuống" đối với ông Kono. Nhưng nếu xét tới nỗ lực thúc đẩy cải cách của tân Thủ tướng Suga, thì ông Kono thực ra đang nắm giữ một vị trí quan trọng. "Kono tuyên chiến với máy fax" đã trở thành tiêu đề trên một tờ báo ở Nhật Bản. Một trong số những việc làm đầu tiên của ông Kono là thông báo một "hòm thư nóng" cho các ý tưởng về cách xóa bỏ thói quan liêu. Tuy nhiên, ông Kono đã sớm phải đóng cửa hòm thư này bởi chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã "đầy tràn" với 4.000 ý tưởng gửi đến.
Ugai Hiroshi, nhà kinh tế trưởng của J.P. Morgan chi nhánh Nhật Bản phát biểu: "Cấu trúc của các bộ trong Chính phủ Nhật Bản thường cản trở các doanh nghiệp tư nhân trong xuất khẩu và các lĩnh vực kinh doanh mới. Vì ông Suga hiểu khá rõ bộ máy hành chính quan liêu và đã thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối cách tiếp cận của ông Kono nên chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy được tiến bộ trong lĩnh vực này".
Bên cạnh đó, ông Suga đã quyết định thành lập một bộ phụ trách số hóa, một sáng kiến trở nên cấp thiết hơn do nhu cầu làm việc từ xa gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Mục tiêu là cập nhật các hệ thống công nghệ thông tin vốn nổi tiếng lạc hậu và rời rạc được chính phủ sử dụng và khuyến khích các tập đoàn có bước tiến nhảy vọt về công nghệ.
Với việc các đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc và Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, GDP của Nhật Bản trong quý II-2020 đã giảm mức kỷ lục 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kể từ đó, nền kinh tế Nhật Bản lại đã phục hồi một phần, nhờ vào tăng trưởng phục hồi của đối tác thương mại chính là Trung Quốc. Cuộc khảo sát của chính phủ về đánh giá thực trạng kinh tế cho thấy có sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 8 và 9-2020, với việc chi tiêu hộ gia đình ở mức cao nhất kể từ tháng 12-2017. Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp tiếp tục được hạ nhiệt, với mức tăng không đáng kể lên 3% trong tháng 8-2020.
Và các cử tri có thể sẽ sớm có tiếng nói về tất cả những điều này. Một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức vào tháng 10-2021. Chính phủ mới của ông Suga đang đạt kết quả 60% tỷ lệ ủng hộ. Đó là một tỷ lệ tốt và ông Suga đang được cho là có tầm ảnh hưởng đáng kể so với nhiều người tiền nhiệm trước ông Abe.
Theo CAND