Trong 7 năm, New York lên kế hoạch hoàn thành tuyến xe điện ngầm Second Avenue dài 3,2km. Cũng chừng đó thời gian, Vũ Hán, TP miền Trung Trung Quốc, dự kiến xây dựng hệ thống đường xe điện ngầm có tổng chiều dài gần 224km…
Vốn xây dựng chiếm 70% GDP
Theo NYT, dự án Metro Vũ Hán chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch trị giá 120 tỷ USD của chính quyền sở tại gồm 2 sân bay mới, một trung tâm tài chính, một trung tâm văn hóa và một tòa nhà văn phòng cao ngất ngưởng như Empire State (cao 381m) ở New York. Những công trình có quy mô lớn đua nhau khởi công đã biến Vũ Hán thành một đại công trường.
Các công trình xây dựng xuất hiện khắp nơi ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, không chỉ có Vũ Hán, hàng chục TP khác tại Trung Quốc cũng đang chạy đua thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng và tốn kém. Chính những dự án xây dựng kiểu này đã đẩy chi tiêu công của Trung Quốc vượt qua ngoại thương trở thành nhân tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm gần đây.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Trung Quốc về dài hạn sẽ bị xói mòn bởi các công trình xây dựng dựa vào nguồn vốn đi vay của chính quyền địa phương, dẫn tới làm gia tăng quy mô nợ của Trung Quốc. Cuối tuần trước, cơ quan kiểm toán Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về khoản vay của chính quyền các địa phương. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody cũng báo động với các ngân hàng Trung Quốc về rủi ro từ các khoản nợ trên.
Tổng số tiền rót vào dự án xây dựng thi nhau mọc lên ở các địa phương Trung Quốc chiếm đến 70% GDP của nước này, một tỷ lệ mà không quốc gia lớn nào đạt đến trong những thập kỷ qua. Thậm chí Nhật Bản, khi đạt đỉnh về bùng nổ xây dựng vào những năm 1980, tổng vốn đầu tư cũng chỉ chiếm 35% GDP, trong khi con số này ở Mỹ chỉ vào khoảng 20% trong nhiều thập kỷ tại Mỹ.
Chỉ số GDP của Trung Quốc cao, cho thấy mức độ phát triển kinh tế mạnh nhưng cũng là tín hiệu báo động nguy hiểm nếu như nền kinh tế dựa vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Báo cáo mới đây của Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) dự đoán các khoản nợ của các tập đoàn đầu tư chính quyền địa phương có thể lên tới 460 tỷ USD trong vài năm tới.
Ông Pieter P. Bottelier, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế cấp cao Johns Hopkins, nhận định tỷ lệ đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện nay quá cao, nên khó lường trước được mức độ rủi ro của những khoản nợ xấu đó.
Viễn cảnh đình trệ, suy thoái
Mặc dù hồi chuông cảnh báo đã được gióng lên nhưng một số ý kiến cho rằng sẽ không có chuyện sụp đổ hàng loạt các ngân hàng tại Trung Quốc. Đó là do Bắc Kinh có khoản dự trữ ngoại tệ lên đến 3.000 tỷ USD, trong khi các ngân hàng nhà nước đang nắm giữ trong tay sổ tiết kiệm của 1,3 tỷ người. Hơn nữa, tất cả các dòng tiền ra, vào Trung Quốc đều được chính phủ nước này kiểm soát rất chặt chẽ.
Nhưng với các khoản nợ của địa phương, thay vì đầu tư cho phát triển, Bắc Kinh sẽ phải dồn tiền cho các ngân hàng để tránh vỡ nợ. Và khi đó, theo một số chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào đình trệ trong khoảng thời gian dài giống như Nhật Bản.
Giáo sư kinh tế học Đại học Havard, ông Kenneth S. Rogoff, nhận định nền kinh tế bong bóng và các khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc có thể dẫn đến cuộc suy thoái trong khu vực châu Á, bóp nghẹt tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới.
Theo ước tính của chính quyền Bắc Kinh, tổng nợ của chính quyền địa phương lên đến 2.200 tỷ USD trong năm 2010, chiếm 1/3 GDP Trung Quốc. Số nợ này nếu không được giải quyết sẽ trở thành cơn ác mộng đối với chính quyền trung ương khi bản thân Bắc Kinh cũng đang ngồi trên núi nợ khoảng 2.000 tỷ USD.
Theo SGGP