Trước nguy cơ dịch cúm A/H5N1 có thể bùng phát bất cứ lúc nào, sức tiêu thụ thịt gia cầm trên thị trường vẫn không sụt giảm và giá gia cầm trên thị trường vẫn có xu hướng tăng.
Bày bán gia cầm không dấu kiểm dịch!
Trong những ngày này, trước nguy cơ bùng phát dịch cúm A/ H5N1 trên gia cầm đang được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo mạnh mẽ, tình hình kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tồn tại. 9 giờ sáng ngày 14-4, tại khu vực bán thực phẩm tươi sống chợ Lái Thiêu, các quầy chuyên kinh doanh thịt gia cầm làm sẵn vẫn có đông người mua như không hề có vấn đề gì. Tại quầy kinh doanh gà đầu tiên, nhẩm sơ bộ có gần 20 con gà, vịt làm sẵn đang được bày bán, nhưng quan sát kỹ thì hầu hết số gà, vịt này không có dấu kiểm dịch hoặc nếu có thì chỉ là một đốm mực bạc thếch, không thể nhận biết đó là gì?! Khi thấy chúng tôi lật tới lật lui tìm dấu kiểm dịch, người bán nói chắc nịch: “Gà của em bảo đảm, bán tại chợ đã mấy năm nay, hết đợt cúm này đến đợt cúm khác nhưng khách của em chẳng ai bị sao cả, chị mua đi, toàn gà ngon không hà”. Tại một quầy kinh doanh gia cầm cách đó không xa, người mua tấp nập, vô tư chọn lựa gà, vịt nhưng không hề nghe một ai thắc mắc về nguồn gốc sản phẩm. Khi được hỏi vì sao không mua hàng ở siêu thị cho yên tâm, chị Nguyễn Thị Phượng (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An), cho hay mấy hôm nay nghe tin dịch cúm gia cầm gây chết người, chị cũng e ngại nhưng ngặt nỗi ở siêu thị toàn gà đông lạnh. “Tôi thường mua hàng ở người quen nên không đáng ngại lắm”, chị Phượng phân trần.
Mua bán gia cầm tại chợ Thủ Dầu Một
Tình hình kinh doanh lẫn lộn giữa gia cầm không có dấu kiểm dịch hoặc có dấu kiểm dịch nhưng mờ nhạt cũng diễn ra tương tự ở các điểm kinh doanh gia cầm tại chợ Thủ Dầu Một, chợ Phú Hòa, chợ Búng… Một số tiểu thương tuy không bày bán gà sống tại chợ nhưng nếu khách có nhu cầu thì được giới thiệu về nhà và họ chỉ bán cho người quen. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua gà sống, một tiểu thương tại chợ Chánh Mỹ (TP. Thủ Dầu Một) cho địa chỉ về ấp Chánh Lộc 3 để mua gà thả vườn được vận chuyển từ Phú Giáo về với giá 95.000 đồng/kg, chưa tính tiền công làm lông…
Giá gia cầm vẫn tăng!
Còn nhớ, trong những lần xảy ra dịch cúm gia cầm trước đây, người tiêu dung (NTD) thường quay lưng khiến giá thịt gà giảm mạnh. Tuy nhiên, trước tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát như hiện nay, NTD vẫn chọn mua thịt gia cầm tại các chợ. Nguyên nhân là do tâm lý chủ quan vì dịch chưa xảy ra của cả người mua lẫn bán. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến loại thực phẩm này trên thị trường chẳng những không giảm mà còn có cơ hội để tăng. Do vậy, giá các loại gà sống, gà làm sẵn đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là gà công nghiệp làm sẵn nguyên con, mức tăng trung bình từ 5.000- 8.000 đồng/kg tùy chợ…
Tại chợ Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), giá gà công nghiệp làm sẵn đang được bán ổn định với giá 70.000 đồng/kg, tuy nhiên theo tiểu thương tại chợ này, giá gà công nghiệp phải điều chỉnh tăng thêm 5.000 đồng/kg trong một hai ngày tới do giá bỏ mối tăng. Tại chợ Thủ Dầu Một mặc dù nguồn cung mặt hàng này không giảm nhưng giá vẫn tăng mạnh nhất so với các chợ trên địa bàn. Chị Nga, chủ một quầy kinh doanh gia cầm tại chợ Thủ Dầu Một, cho biết: “Mặc dù NTD đã biết thông tin về dịch cúm gia cầm, nhưng lượng thịt gà tiêu thụ tại chợ vẫn ổn định, giá cả vẫn tăng chút ít so với trước đó. Vào những ngày cuối tuần, lượng gà không đủ để bán vì sức mua tăng”.
Cũng theo chị Nga, do nhu cầu tăng nhẹ khiến giá gà công nghiệp, gà thả vườn tại chợ Thủ Dầu Một trong 3 ngày trở lại đây đã tăng thêm từ 5.000 - 25.000 đồng/kg (gà chặt), tùy loại. Hiện giá gà ta thả vườn nguyên con loại ngon ở mức 185.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng/kg so với trước; gà mổ sẵn giá tăng lên mức khủng 210.000 đồng/kg; gà tam hoàng thả vườn lên mức 165.000 đồng/kg, tăng thêm 20.000 đồng/kg so với cách đó 3 ngày. Đối với gà công nghiệp, giá tăng mạnh nhất từ 75.000 đồng lên 83.000 đồng/kg.
Phó Chi cục thú y Bình Dương Tạ Trọng Khang: “Chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát chặt nguồn cung gia cầm…”
Trong những ngày này, các cơ quan chức năng của tỉnh đang triển khai các giải pháp, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ lây lan dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9, thế nhưng NTD, người kinh doanh vẫn thờ ơ với nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của chính mình. Quan sát tại một số chợ, cho thấy việc mua, bán gia cầm trôi nổi không rõ nguồn gốc vẫn còn diễn ra. Trước tình hình này, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi nhanh với Phó Chi cục Thú y Bình Dương Tạ Trọng Khang:
- Để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gia cầm bày bán tại các chợ, hiện Chi cục Thú y Bình Dương đã thực hiện những biện pháp nào, thưa ông?
- Theo quy định, gia cầm muốn đưa vào kinh doanh tại chợ thì phải có giấy tiêm phòng, phải qua kiểm tra của thú y địa phương và phải có nguồn gốc, xuất xứ nơi cung cấp. Hiện nay, chúng tôi cũng đã yêu cầu tiểu thương không được phép giết mổ gia cầm sống tại các chợ. Theo đó, gia cầm sống phải được giết mổ tập trung. Các điểm kinh doanh trứng, thịt gia cầm cũng vậy, người bán phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Khi cơ quan chức năng yêu cầu thì phải xuất trình đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc của sản phẩm.
- Qua quan sát tại chợ vẫn thấy có tình trạng bày bán gia cầm không dấu kiểm dịch hoặc có dấu kiểm dịch nhưng mờ nhạt, rất khó nhận dạng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Trước tình hình dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát, người dân cũng đã nắm bắt được thông tin thông qua báo đài nên đã có ý thức và chấp hành khá tốt việc tiếp nhận gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để kinh doanh. Tuy vậy, vẫn có một số tiểu thương ở các chợ tạm, chợ công nhân, người bán thịt gia cầm không cố định… chưa có ý thức rõ về nguy cơ tiềm ẩn của dịch cúm A/H5N1 nên kinh doanh lẫn lộn những sản phẩm gia cầm không có dấu kiểm dịch hoặc đóng dấu kiểm dịch không hợp lệ nhằm gây nhầm lẫn cho NTD. Với những trường hợp này, chúng tôi sẽ mời người kinh doanh đến cơ quan chức năng để tập huấn phòng chống dịch cúm gia cầm, tuyên truyền các văn bản do Nhà nước quy định.
Khi thấy gia cầm có dấu kiểm dịch lem nhem, không rõ ràng, NTD phải cảnh giác và báo ngay với cơ quan chức năng. Vì dấu kiểm soát giết mổ phải thực hiện theo quy định, sản phẩm gia cầm phải được lau khô ráo trước khi đóng dấu mộc kiểm dịch nhằm nhìn thấy rõ ràng thông tin kiểm soát, đồng thời sản phẩm gia cầm phải được cơ quan thú y dán tem, có giấy chứng nhận kiểm dịch (kể cả trứng gia cầm). Từ nay đến hết tháng 4, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, kiên quyết xử lý và tiêu hủy những sản phẩm gia cầm nhập lậu, gia cầm không có dấu mộc, kiểm dịch không đúng quy định, kể cả nguồn trứng trôi nổi trên thị trường. Nếu có hiện tượng dấu đóng giả, chúng tôi sẽ thanh kiểm tra và xử lý mạnh tay những vi phạm này.
Xin cảm ơn ông!
TRÚC HUỲNH