Cảm động khi được đọc cuốn hồi ký “Dưới mái trường Lá Mía” của Hội Cựu học sinh kháng chiến Thủ Dầu Một, tôi đã quyết định tìm gặp một trong những nhân chứng hiếm hoi còn sống, từng học tập dưới mái trường kháng chiến này. Bác là Nguyễn Minh Đức (tức Mười Đức - Liên đội trưởng trường Tiểu học Kháng chiến tỉnh Thủ Dầu Một). Đã hơn 6 thập niên trôi qua kể từ ngày rời mái trường thân yêu, song hồi ức của bác Mười Đức về ngôi trường tiểu học kháng chiến đầu tiên của miền Nam vẫn còn rất rõ ràng, mạch lạc và đầy cảm xúc qua từng lời kể.
Ông Nguyễn Minh Đức (bìa trái), cựu học sinh trường Tiểu học Kháng chiến trao học bổng cho học sinh nghèo trường Tiểu học An Điền, TX.Bến Cát trong ngày họp mặt truyền thống hàng năm
Khai sinh trong mưa bom, bão đạn
Năm 1949, giữa những năm tháng gay go ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, Ty Giáo dục Thủ Dầu Một đã thành lập trường Tiểu học Kháng chiến tỉnh Thủ Dầu Một, đặt tại ấp 3, xã An Điền, huyện Bến Cát. Nhiệm vụ của trường là đào tạo lực lượng kế thừa ở các mặt trận văn hóa, nghệ thuật và quân sự để chi viện cho chiến trường.
Ra đời trong điều kiện kháng chiến nên cơ sở vật chất thô sơ, thiếu thốn. Trường được lợp bằng tranh, lá mía nép mình dưới vòm cao su. Xung quanh là hàng trăm căn hầm tránh bom. Được sự quan tâm của các cơ quan tỉnh, huyện và nhân dân địa phương, mọi cơ sở vật chất cần thiết như bảng, bàn, ghế, hầm công sự, hầm cá nhân tránh đạn đã kịp hoàn tất đúng vào ngày khai giảng 19-9-1949.
Hơn 150 con em các xã Nam Bến Cát, một vài xã của huyện Lái Thiêu, quận Châu Thành và một số chiến sĩ nhỏ tuổi của các cơ quan huyện, tỉnh và lực lượng vũ trang đã về đây học tập. Qua bài kiểm tra sơ bộ, học sinh được xếp vào các lớp như lớp 3, nhì và nhất.
Dạy và học dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, không ít lần trường bị cháy nên thầy trò phải dắt nhau vào rừng trốn giặc. Mỗi một lần trường bị đốt cháy, chỉ ngày sau lại có một ngôi trường mới mọc lên thay thế. Dường như mưa bom bão đạn của kẻ thù chẳng thể làm lung lay ý chí, quyết tâm giữ trường, bám lớp của thầy và trò. Cứ như thế, ngôi trường lá mía vẫn hiên ngang, đứng vững đầy kiêu hãnh trong suốt 4 năm từ năm 1949 đến 1953. “Do học tập trong thời chiến tranh yêu cầu học sinh phải “quân sự hoá” nên được tổ chức theo kiểu bộ đội. Mỗi lớp là một Trung đội, toàn trường là Đại đội và bầu ra nhiều chức danh như trung đội trưởng, trung đội phó, đại đội trưởng, đại đội phó... Thời gian chủ yếu vẫn là dành để học văn hóa, song thầy trò của trường còn được rèn luyện thêm về kiến thức quân sự và âm nhạc, sẵn sàng phục vụ chiến trường khi cần thiết. Chỉ với cây đàn măng-đô-lin, thầy trò trường lá mía đã phối hợp cùng binh công xưởng Đinh Văn Cần, liên quân 301, 310 phục vụ nhiều chương trình văn nghệ cho đồng bào, chiến sĩ”, bác Mười Đức kể lại.
Năm 1953, giặc Pháp điên cuồng tiến hành các trận càn nhằm vào vùng Tam giác sắt, chúng muốn san bằng nơi đây trở thành vùng trắng hòng dễ dàng kiểm soát. Trong tình hình này, các thầy buộc phải đưa gần 60 học sinh vào rừng tiếp tục học một thời gian, rồi tạm giải tán để đưa lực lượng vào tải thương, bộ đội... phục vụ chiến trường. Thầy trò, bạn bè mỗi người một ngả song vẫn hẹn ngày hội ngộ dưới mái trường nghĩa tình.
Những kỷ niệm vẫn còn đọng lại
Chiến tranh kéo dài liên miên, hết chống Pháp rồi đến đánh Mỹ, cựu học sinh trường Tiểu học Kháng chiến tỉnh Thủ Dầu Một có mặt trên khắp các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc... Mãi đến khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất năm 1975, họ mới có dịp gặp lại nhau trong cảnh người còn, người mất.
Kể từ năm 1976 đến nay, hàng năm cựu học sinh trường Tiểu học Kháng chiến tỉnh Thủ Dầu Một đều tổ chức 2 cuộc họp mặt vào Ngày truyền thống 19-9 và Ngày nhà giáo (20-11) để cùng nhau ôn lại truyền thống, chia sẻ những vui buồn của cuộc sống và cùng ôn lại ký ức đã đi qua hơn 60 năm. Bác Mười Đức, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban liên lạc, cho biết mỗi lần họp, hội đều trao các suất học bổng cho học sinh nghèo tại trường Tiểu học An Điền, nơi khai sinh trường Tiểu học Kháng chiến xưa. Các bác chỉ mong thế hệ trẻ được sống trong cảnh đất nước thái bình, biết trân trọng những giá trị lịch sử, trân trọng độc lập, yêu tự do và ra sức học tập để cống hiến sức trẻ cho quê hương.
Vào năm 2001, nhân kỷ niệm 51 năm ngày thành lập trường, cựu học sinh Kháng chiến đã xuất bản tập hồi ký mang tên “Dưới mái trường Lá Mía” để ôn lại truyền thống, ghi dấu sự hình thành của trường. Nhiều câu chuyện cảm động đã được ghi chép lại để thế hệ con cháu mai sau còn biết đến một thời oanh liệt của cha ông mình.
“Dưới mái trường Tiểu học kháng chiến, thời gian tuy có ngắn ngủi, song tình thầy trò, tình bạn bè đã qua bao nhiêu gian khổ, vui buồn, sống chết có nhau. Những kỷ niệm thuở ấy vẫn còn đọng lại sâu sắc trong ký ức của những cựu học sinh” - xin được mượn lời bác Lê Công Tài trong cuốn hồi ký để khép lại bài viết này.
SONG ANH