Tuần tra đêm xử lý “ma men”

Cập nhật: 28-12-2017 | 09:31:29

Vào dịp cuối năm thường có nhiều tiệc được tổ chức, nhiều khách sau khi đã uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Trước thực trạng này, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường ra quân kiểm tra xử lý nồng độ cồn nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do người say xỉn gây ra.


Một trường hợp buộc phải ký biên bản xử lý hành chính về vi phạm nồng độ cồn sau khi được CSGT khéo léo thuyết phục

“Uống chỉ có một chai…”

Gần 21 giờ đêm, một thanh niên không đội nón bảo hiểm điều khiển xe máy BS 72F1-330… chở theo bạn gái chạy vi vu trên đường. Khi đến gần vòng xoay công viên Areco, thanh niên thấy tổ tuần tra liền quay đầu xe chạy ngược lại. Lực lượng CSGT cùng Cảnh sát cơ động nhanh chóng đuổi theo và yêu cầu kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra nhanh, thanh niên tên Võ Văn H. (quê Nghệ An) xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định. Lúc này, H. có biểu hiện sử dụng rượu bia nên tổ tuần tra yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Khi thượng úy Nguyễn Trung Nhân, cán bộ Đội CSGT CA TX.Dĩ An chuẩn bị dụng cụ đo nồng độ cồn thì H. năn nỉ: “Lễ Noel, em uống với bạn chỉ có một chai. Anh bỏ qua cho em!”. Thượng úy Nhân kiên quyết: “Pháp luật quy định đã uống rượu bia thì không lái xe. Anh uống một chai, tôi cũng đo!”.

Trước thái độ kiên quyết của tổ kiểm tra, H. buộc phải đo nồng độ cồn. Máy đo hiện lên kết quả 0,298mg/lít khí thở (vượt quy định 0,25mg/lít khí thở). Trong lúc thượng úy Nhân lập biên bản xử lý, H. liên tục gọi điện thoại thông báo tên và chức danh người lập biên bản cho một người bên kia đầu dây. Kết thúc cuộc gọi, H. nói: “Mày lo cho tao nha!”. Ít lâu sau, H. gọi điện cho ai đó rồi “ép” cán bộ lập biên bản nghe nhưng bị từ chối: “Anh sai rồi thì chấp nhận ký biên bản đi. Chúng tôi chỉ muốn tốt cho anh!”. Tuy nhiên, H. vẫn không chịu ký mà vẫn tiếp tục gọi điện thoại. Mãi đến 30 phút sau, H. mới quay lại ký biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ xe.

Vừa xử lý xong trường hợp trên, tổ tuần tra tiếp tục phát hiện 2 thanh niên không đội nón bảo hiểm điều khiển xe máy biển số 47K5-212… lưu thông ngược chiều đường GS1. Ngay lập tức, hai chiến sĩ đuổi theo và “áp tải” về chốt để kiểm tra hành chính. Tại đây, thanh niên tên Mai Văn Th. (quê Gia Lai) điều khiển xe máy trong tình trạng nồng nặc mùi rượu nên được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Sau nhiều lần thổi vào ống thở, cột đo trên máy chỉ 0,631mg/lít khí thở. Khi CSGT đọc kết quả đo, Th. tái mét mặt hỏi: “Em có bị phạt nặng không?”. Cán bộ CSGT giải thích: “Theo quy định hiện hành, người điều khiển xe máy trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 4 triệu đồng. Đồng thời, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Ngoài ra, anh còn bị phạt tiền thêm các lỗi đi ngược chiều (phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng) và không đội nón bảo hiểm (phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng”. Nghe đến đây, Th. bủn rủn và xin “giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, các CSGT kiên quyết yêu cầu Th. ký biên bản, 7 ngày sau đến Đội CSGT TX.Dĩ An đóng phạt theo quy định. Hết cách, Th. ký văn bản và đón xe ôm về phòng trọ. Trước khi về, Th. cứ gật đầu chào lực lượng chức năng và than “Em mua xe có 2,5 triệu đồng nhưng lại bị phạt hơn 3 triệu...”.

Khéo léo xử lý

Mặc dù hai trường hợp trên ban đầu không chịu hợp tác để kiểm tra nhưng được CSGT giải thích thì họ chịu ký văn bản xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó lực lượng CSGT gặp không ít trường hợp không chịu hợp tác. Cụ thể như trường hợp của ông Hồ Văn C. (quê Thanh Hóa). Khoảng 21 giờ cùng ngày, tổ tuần tra phát hiện ông C. không đội nón bảo hiểm điều khiển xe máy BS 59X2-665… chở theo bạn nên ra hiệu lệnh kiểm tra hành chính. Lúc này, người ông C. nồng nặc mùi rượu bia. Tổ tuần tra yêu cầu ông đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, ông C. bỏ đi ít phút sau rồi quay lại xin tổ tuần tra bỏ qua. Xin không được, ông C. lại tiếp tục lấy lý do sợ bị bệnh lây nhiễm vì sử dụng ống thở chung. Mặc dù CSGT vừa thay ống thở mới nhưng phải tháo bỏ và lấy ống mới khác thay vào trước sự chứng kiến của ông C. Tưởng chừng như thế sẽ làm “vừa lòng” nhưng ông C. vẫn nài nỉ CSGT bỏ qua và thậm chí văng tục.

Khi lực lượng tuần tra chuẩn bị lập biên bản hành vi chống người thi hành công vụ thì ông C. mới chịu hợp tác. Khi CSGT đưa máy đo thì ông C. chỉ đặt lên miệng và nín thở hoặc hít vào. CSGT nhắc hơn chục lần nhưng ông cứ mím môi, khiến chiến sĩ CSGT dừng máy đo, nói: “Yêu cầu anh nghiêm túc”. Rồi CSGT phải làm động tác thở đều một hơi nhẹ cho ông C. làm theo. CSGT yêu cầu ông thực hiện lại nhưng ông này cứ ngậm miệng như trước. Tuy nhiên có lẽ do nín thở quá lâu, bị “quên” nên bất ngờ ông C. thở mạnh và máy đo báo 0,764mg/lít khí thở. Khi được yêu cầu ký văn bản xử lý, ông C. không chịu ký mà nằng nặc xin “đóng phạt tại chỗ để lấy xe cho vợ đi làm”. Trong khi tổ tuần tra từ chối và giải thích thì ông C. ra điều kiện: “Có thể tạm giữ tôi chứ đừng tạm giữ xe…”. Mặc dù cán bộ CSGT cố gắng thuyết phục nhưng ông C. vẫn không chịu ký văn bản xử phạt. Sau đó ông C. cùng bạn bỏ đi và còn ngoái lại văng tục. Thượng úy Nguyễn Trung Nhân, cán bộ Đội CSGT CA TX.Dĩ An, cho biết: “Những trường hợp như thế chúng tôi gặp rất nhiều và phải khéo léo xử lý. Ông C. không ký vào biên bản thì chúng tôi mời CA địa phương nơi ông C. vi phạm ký văn bản làm chứng. Sau này trước khi ông C. lên đóng phạt thì phải có giấy xác nhận nơi thường trú hoặc tạm trú. Trong khi chúng tôi đã giải thích như thế nhưng ông C. không chịu hiểu. Mất thời gian cả hai bên!”.

Trung tá Thái Minh Lý, Đội trưởng Đội CSGT CA TX.Dĩ An, cho biết: “Việc kiểm tra nồng độ cồn vào đêm khuya rất phức tạp, nhất là những ngày cuối tuần. Nhiều người say xỉn thường chống đối không hợp tác, thậm chí hành hung lực lượng chức năng. Một số biểu hiện của người vi phạm như không chịu đo nồng độ cồn, không ký văn bản, gọi điện thoại cầu cứu… cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ trong đội đều được tập huấn kỹ về nghiệp vụ nên có cách xử lý phù hợp, hiệu quả. Vừa cương quyết vừa khuyên bảo nhẹ nhàng, cứ kiên trì một lúc lâu khi hơi men vơi bớt người vi phạm sẽ chấp hành. Thậm chí gặp trường hợp người lái xe say xỉn quá, tổ công tác phải đón taxi hoặc tìm cách liên hệ với người thân để đưa về nhà nhằm bảo đảm an toàn”.

“Vì sự an toàn của người tham gia giao thông!”

Đó là câu nói mà trung tá Thái Minh Lý, Đội trưởng Đội CSGT CA TX.Dĩ An nhấn mạnh với P.V nhiều lần khi đề cập về mục đích của kế hoạch phối hợp lực lượng xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo trung tá Lý, người say xỉn sẽ mất kiểm soát ý thức lẫn hành vi, do đó khi điều khiển xe là ẩn họa khôn lường cho những người xung quanh. Vì vậy, Đội CSGT phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác tuần tra các tuyến đường, khu vực tập trung quán nhậu, karaoke… để kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp uống rượu bia. Trong đợt ra quân từ ngày 15-11 đến nay, Đội CSGT CA TX.Dĩ An đã kiểm tra và lập biên bản gần 40 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Từ nay đến Tết Nguyên đán sắp tới, CSGT CA TX.Dĩ An sẽ tập trung cao độ xử lý vi phạm về sử dụng rượu bia. Ngoài lực lượng chốt trực công khai sẽ có các lực lượng hóa trang bí mật “ém” tại các khu vực lân cận quán nhậu để báo cho lực lượng công khai xử lý các trường hợp vi phạm.

 

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=791
Quay lên trên