Các nhà khoa học vừa đưa ra bằng chứng cho thấy dãy Trường Sơn đang nóng bất thường và, nếu không có biện pháp cấp bách để cứu cái máy điều hòa tự nhiên khổng lồ này, một thảm họa sinh thái chưa từng có có thể giáng xuống nước ta.
Tại hội thảo lần thứ hai về bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn kết thúc chiều 19-3 ở Hà Nội, các nhà khoa học chia sẻ sự hiện diện ngày càng rõ nét của ấm nóng toàn cầu lên Trường Sơn, nơi hệ sinh thái được coi là phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam.
Vắt trong rừng cũng vắng bóng
Nói đến xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), ở mạn bắc dãy Trường Sơn, ai cũng biết nơi ấy nức tiếng một thời với món trứng ngạt hay còn gọi là trứng kiến. Trứng ngạt được đánh bắt vào mùa xuân, chiên mỡ và ăn cùng xôi nếp nương thì thôi rồi.
Không chỉ Biển Đông, cả dải Trường Sơn cũng đang chịu sức ép của BĐKH
Rồi món cua đá, ốc đá. Khắp nơi nhan nhản các thảo mộc quý có thể dùng để chế biến dược liệu quý như quýt ngọt mà vỏ quả làm vị trần bì, quế, ổi, hà thủ ô, củ mài hay còn gọi là hoài sơn. Rồi cũng đủ cả những gì của rừng vàng, dưới đất thì dày đặc các thảm phủ dương xỉ, trầu lốt, tàu bay, nấm; trên giời bạt ngàn những lát, lim xanh, táu, sến, dổi, de, trường mật, v.v.
Thế mà tại cuộc khảo cứu mới đây của nhóm khoa học thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) về nơi từng thường xanh và ẩm thấp kia, tình cảnh đã khác hẳn. “Do khô hạn, loài vắt trong rừng cũng mất hết”, TS Phạm Đức Thi đến từ VACNE nói. “Một số loại cây trồng như luồng tự nhiên trổ hoa, thân mềm ra, hiện tượng trước đây chưa hề có. Không những thế, nó còn lụi đi, rồi chết hàng loạt”.
Trước năm 1975, nguồn nước ở Cẩm Tâm vẫn rất dồi dào. Có chỗ còn là vùng sình lầy, nước tràn qua đường. Có thửa ruộng, trâu lội đến bụng, không cấy được. Gần hơn, mới hơn 10 năm trước, với lượng nước mưa 500-600 mm, vẫn chưa có lũ quét. Thế mà nay, chỉ cần mưa 200 mm, lũ quét đã sầm sập về. Mưa đá trước đây không có hoặc rất hiếm; nay, năm nào cũng thấy có.
Chí ít, sáu trong số 11 bản, tương đương 600 hộ với 2.000 khẩu, phải đi lấy nước rất xa để dùng. Sơ bộ tính toán, lượng nước cần cho toàn xã là trên 1,7 triệu m3 trong khi lượng nước khai thác được chưa đến nửa, chỉ 700.000 m3. Thiếu nước sạch, kéo theo dịch bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy, phụ khoa. Thậm chí, ở cộng đồng phần lớn là người Mường này xuất hiện cả bệnh ung thư gan, máu trắng.
Mấy năm nay, hạn hán không chỉ xảy ra vào mùa khô, mà xuất hiện cả ở mùa mưa. Đất khô nứt nẻ, không trồng cấy được, kể cả ngô và sắn.
Nước các khe suối khô cạn, các hồ chứa bị bồi lấp, không còn khả năng trữ, nguồn sinh thủy giảm hơn một nửa. Trước, xã có bảy trang trại tổng hợp, chăn nuôi và trồng trọt, được công nhận. Nay, không trang trại nào đạt tiêu chí nữa, đất bị thu hồi vì hoạt động không có lãi. Đến như dê là loài dễ nuôi nhất cũng không phát triển được. Cây trồng chủ yếu là mía năng suất chỉ đạt 30 tấn/ha, trong khi những nơi khác phải gấp đôi.
Hoành hành ở Bắc Trung Bộ
Bắc Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, nơi được coi là vùng có tính đa dạng sinh học vào loại cao nhất nước. Nơi đây đang diễn ra sự suy giảm nghiêm trọng của môi trường và đa dạng sinh học dưới tác động của con người và BĐKH cũng như những khó khăn, chật vật của dân bản địa chống trả với thiên tai trong cuộc mưu sinh.
Để phân tích diễn biến nhiệt độ khu vực Bắc Trung Bộ, các tác giả đã lựa chọn 16 trạm có số liệu quan trắc trên 30 năm và coi giá trị trung bình 30 năm (1979-2008) là giá trị trung bình chuẩn để phân tích. So với thập niên 1979-1988, nhiệt độ không khí trung bình thập niên 1999-2008 cao hơn, rõ rệt nhất là vào các tháng chuyển tiếp (tháng 4 và tháng 10):
Nhiệt độ trung bình năm phổ biến cao hơn từ 0,3-0,6 độ C, thấp hơn so với mức tăng ở khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên (phổ biến cao hơn từ 0,5-0,8 độ C, có trạm cao hơn 1độ C);
Nhiệt độ trung bình các tháng mùa đông cao hơn so với mùa hè. Trong 3 tháng chính đông (tháng 12-2), nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,4-0,7 độ C, trong khi các tháng chính hè (tháng 6-8), nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,2 - 0,3 độ C, một số trạm mang trị số âm. Điều đó cũng được thể hiện ở hai tháng tiêu biểu của mùa đông (tháng 1) và mùa hè (tháng 7).
(THEO TIỀN PHONG)