Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) TX.Bến Cát đứng nhất tỉnh về tỷ lệ học sinh (HS) đạt điểm trên trung bình ở môn ngữ văn. Để đạt được kết quả này, ngành đã đưa ra mục tiêu phấn đấu, cũng như tìm tòi các giải pháp để nâng cao chất lượng trong từng năm học.
Học sinh dự thi chọn học sinh giỏi THCS cấp TX.Bến Cát
Nâng cao chất lượng đội ngũ
Môn ngữ văn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chương trình của cấp học THCS. Ngoài việc cung cấp kiến thức như các môn học khác, môn ngữ văn còn góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho HS; giúp các em biết yêu thương, quý trọng gia đình, thầy cô, bạn bè, có lòng yêu nước; biết hướng tới những tư tưởng cao đẹp như lòng nhân ái, tinh thần tôn trọng lẽ phải, sự công bằng... Từ ý nghĩa này, Phòng GD-ĐT TX.Bến Cát đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà môn ngữ văn và chất lượng tuyển sinh lớp 10.
Để nâng cao chất lượng bộ môn, trước tiên ngành tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và năng lực quản lý của ban giám hiệu. Thầy Lê Phú Hải, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Bến Cát, cho biết hàng năm phòng chú trọng tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên trong dịp hè và trong năm học. Phòng mời báo cáo viên là các thầy cô tổ nghiệp vụ bộ môn của tỉnh, giáo viên giỏi của trường THPT Chuyên Hùng Vương, trường chất lượng cao THPT Trịnh Hoài Đức, chuyên viên của Phòng Giáo dục trung học - thường xuyên thuộc Sở GD-ĐT về bồi dưỡng. “Nhờ thực hiện cách làm này, trong 2 năm qua, đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn văn của Bến Cát tiến bộ rõ rệt từ phương pháp đến kiến thức, kỹ năng giảng dạy. Ngoài ra, giáo viên cũng ý thức trách nhiệm với nghề qua việc tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học”, thầy Hải nói.
Ban giám hiệu các trường THCS xác định thực trạng chất lượng giáo dục của trường, năng lực chuyên môn của giáo viên, nguyên nhân yếu kém và chất lượng giáo dục. Ban giám hiệu cũng phân tích cho giáo viên nhận thức rõ thực trạng của trường, từ đó thống nhất đưa ra các giải pháp phù hợp với đặc điểm của nhà trường và đối tượng HS. Từ sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT, các trường THCS lên kế hoạch dạy học cụ thể theo từng thời điểm, điều chỉnh bổ sung kế hoạch kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.
Thực hiện phương pháp giáo dục tích cực
Nâng cao chất lượng môn học, giáo viên dạy ngữ văn của TX.Bến Cát đã tập trung thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực. Thầy cô tăng cường phương pháp hoạt động nhóm, chia tổ thảo luận, tự nhận xét đánh giá của HS, nhằm tạo cho các em tự định hướng bản thân các phương pháp học tập hiệu quả. “Với phương pháp này, HS yếu kém có khả năng thích ứng, mạnh dạn tham gia góp ý kiến, tự động ôn bài, cùng trao đổi, học tập lẫn nhau”, thầy Lê Phú Hải chia sẻ thêm.
Chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 là thước đo thương hiệu của nhà trường, do đó từng trường THCS trên địa bàn thị xã đã dồn tâm sức nâng cao chất lượng môn học. Ở trường THCS Mỹ Thạnh, dù cơ sở vật chất còn khó khăn, giáo viên thiếu, nhưng trường đã đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10. Thầy Nguyễn Văn Giàu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tổ bộ môn thường xuyên sinh hoạt chuyên môn, thống nhất nội dung trọng tâm cần cung cấp cho học trò. Nhà trường còn thực hiện tăng thời lượng ôn tập cho HS, tổ chức cho các em thi thử, hướng dẫn các kỹ năng làm bài... Nhờ phối hợp thực hiện nhiều biện pháp, kết quả tuyển sinh vào lớp 10 ở môn ngữ văn của trường chỉ đứng sau trường THCS tạo nguồn Mỹ Phước.
Vai trò của người thầy quyết định chất lượng giáo dục. Xác định điều này, giáo viên các trường THCS Mỹ Thạnh, Thới Hòa, Bình Phú, Hòa Lợi... linh hoạt, chủ động hơn trong việc dạy học sát đối tượng. Thầy cô cũng tạo cho HS tâm thế thoải mái, hứng thú với giờ học, không gây áp lực trong học tập. Trong từng tiết dạy, buổi dạy, thầy cô luôn rút kinh nghiệm để có phương pháp điều chỉnh những chỗ hổng kiến thức cho HS. Ngoài ra, các giáo viên bộ môn cũng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh HS trong quản lý, giáo dục, nhắc nhở các em cố gắng học tập.
HỒNG THÁI