TX.Dĩ An: Quản lý chặt hoạt động kinh doanh phế liệu

Cập nhật: 19-06-2019 | 07:24:50

 Trong thời gian qua, trên địa bàn TX.Dĩ An có nhiều cơ sở hành nghề thu gom, xử lý chất thải nói chung và chất thải công nghiệp nói riêng. Các cơ sở này đã góp phần tái chế, tái sử dụng một phần lượng chất thải công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều cơ sở đã phát sinh những bất cập như chưa tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, gây mất mỹ quan đô thị…

 Một vựa kinh doanh phế liệu trên địa bàn TX.Dĩ An. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Từng bước đi vào nề nếp

Bên cạnh những bất cập nói trên, theo ghi nhận, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều để phế liệu ngoài trời, không có mái che, nước mưa chảy vào phế liệu rồi chảy ra môi trường, ngấm vào đất mang theo các chất độc hại, trong khi các cơ sở này không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Bên cạnh việc gây ô nhiễm, các cơ sở này không bảo đảm an toàn cháy nổ. Các loại chất thải được các cơ sở đưa về chứa và tiến hành phân loại trước khi bán cho các đơn vị khác.

Trong quá trình các cơ sở phân loại phế liệu đã gây phát sinh bụi, tiếng ồn và mùi hôi, trong đó nghiêm trọng nhất là hơi dung môi từ các thùng đựng hóa chất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và người dân trong khu vực. Những phế phẩm dư thừa từ phân loại phế liệu như bao bì nylon, cao su, vải vụn... nhiều cơ sở đã bỏ ra ven đường, các khu đất trống hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường.

Bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Dĩ An, cho biết trong thời gian qua, UBND thị xã đã chỉ đạo phòng chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch số 1828/KH-UBND ngày 26-6-2013 của UBND thị xã với mục tiêu tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh và lập lại trật tự đối với ngành nghề kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Kết quả thống kê rà soát và tổng hợp từ UBND các phường cho thấy trên địa bàn thị xã có khoảng 255 cơ sở kinh doanh phế liệu. Từ chỉ đạo quyết liệt của UBND thị xã, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, việc thực hiện kế hoạch này đã đạt được kết quả tốt. Nhờ đó, tình hình kinh doanh phế liệu trên địa bàn từng bước đi vào nề nếp, góp phần thay đổi diện mạo đô thị Dĩ An.

Nhận thấy vấn đề lập lại trật tự đối với ngành nghề này là bức thiết cho quá trình phát triển đô thị Dĩ An, thời gian qua Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã đã tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ về mặt pháp lý cần thiết đến từng cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn, qua đó tạo mọi điều kiện về thời gian để các cơ sở thực hiện di dời. Đồng thời, đơn vị cũng có giải pháp hỗ trợ, xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

Tăng cường tuyên truyền

Mặc dù hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn TX.Dĩ An đã từng bước đi vào nề nếp, song theo đánh giá địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do có một số chủ kinh doanh phế liệu không còn đủ sức lao động, họ sống chủ yếu bằng nghề mua phế liệu, do vậy việc kiểm tra, tuyên truyền vận động của ngành chức năng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, phòng cháy chữa cháy của các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn mặc dù đã được nâng lên nhưng chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Cùng với đó, hiện đa số các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn chỉ chú trọng về lợi ích kinh tế, chưa quan tâm đến việc trang bị các thiết bị bảo đảm an toàn cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc nếu có đầu tư trang thiết bị thì cũng chỉ mang tính đối phó. Trong khi đó, việc phát triển không đồng bộ trước đây giữa hạ tầng và đô thị trong quá trình đô thị hóa đã làm gia tăng áp lực về bảo vệ môi trường đối với thị xã.

Bà Oanh cho biết với phương châm chủ yếu là tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị kinh doanh phế liệu tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật khi hoạt động, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã luôn tạo mọi điều kiện để các cơ sở được hoạt động kinh doanh khi đã hoàn thiện các yêu cầu mà pháp luật đã quy định. Ngược lại, trường hợp các cơ sở không chấp hành quy định của pháp luật ngành chức năng sẽ xử lý nghiêm, theo đúng quy định. Đối với các cơ sở sau nhiều lần vận động, tuyên truyền nhắc nhở mà vẫn không thực hiện, phòng sẽ tiến hành kiểm tra, ghi nhận các sai phạm kiến nghị UBND thị xã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Đối với các đơn vị kinh doanh phế liệu có quy mô tổ chức, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Cùng với đó, đơn vị phối hợp kiểm tra, tham mưu xử lý đối với các tổ chức kinh doanh phế liệu cố tình không thực hiện việc di dời và tổ chức cưỡng chế buộc phải di dời (nếu có) theo nội dung các quyết định của UBND thị xã...

Riêng với các đơn vị kinh doanh phế liệu có quy mô hộ gia đình, UBND các phường chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Theo đó, UBND các phường phải theo dõi, giám sát, phát hiện và kiên quyết xử lý, giải quyết các trường hợp phát sinh mới trên địa bàn hiệu quả và nhanh chóng. UBND các phường chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra và tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền, trường hợp gặp khó khăn vướng mắc có văn bản gửi UBND thị xã hỗ trợ, hướng dẫn xử lý. Sau khi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh, UBND phường theo dõi việc chấp hành nộp phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả…

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=373
Quay lên trên