Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS vừa diễn ra trong năm 2011, đánh giá vài năm trở lại đây tình hình nhiễm HIV/AIDS trên thế giới có dấu hiệu chững lại, trong đó Bình Dương cũng được đánh giá tốc độ nhiễm mới có xu hướng giảm. Đây là một tín hiệu rất mừng vì sau 30 năm kể từ ca đầu tiên năm 1981. Trong 3 thập kỷ qua, hơn 60 triệu người đã bị nhiễm HIV/AIDS và ít nhất 25 triệu người đã chết và hơn 16 triệu trẻ em bị mất cha mẹ vì căn bệnh này. Vì vậy, hội nghị là cơ hội quan trọng để các nước tái khẳng định các cam kết hành động tập thể và tăng cường cuộc chiến chống HIV/AIDS. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, HIV/AIDS vẫn là thảm họa của nhân loại, vì chưa có vaccine phòng ngừa. Thuốc đặc trị để chữa dứt điểm căn bệnh này vẫn chưa có. Giải pháp để giảm lây nhiễm HIV/AIDS là phòng bệnh bằng nhiều cách, trong đó nhóm nguy cơ cao là đối tượng: ma túy, mại dâm, đặc biệt là kiểm soát và chữa trị số người đang mang HIV/AIDS... là giải pháp hữu hiệu để giảm số ca nhiễm mới. Hơn nữa chương trình “phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử” với người có HIV phải được thực hiện mạnh hơn nữa, để người có HIV không bị ruồng bỏ, xa lánh, để họ cùng cộng tác vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS toàn cầu. Những người có HIV/AIDS, họ cũng cần phải sống và sống có ích: chị Tr. nói trong nước mắt: “Tôi bị lây HIV/AIDS từ chồng mình, chồng tôi là người chơi bời, anh ấy đã chết, tôi hiện có nhà, có con nhưng tôi vẫn rất buồn”. Đối với anh V thì nguyên nhân dẫn đến bị nhiễm HIV là theo đám bạn bè, tiêm chích ma túy, anh cũng là một người có học (sinh viên) nhưng HIV đã cướp đi tương lai học hành, khi biết mình bị nhiễm, anh suy sụp tinh thần nhưng có lẽ người thân là người chịu cú sốc nặng hơn. Còn anh X thì nhiễm HIV trong một lần đi công tác quan hệ với gái mại dâm mà không có sử dụng bao cao su... Có thể nói những trường hợp bị lây nhiễm HIV không hoàn toàn giống nhau nhưng điều dễ nhận thấy nhất là có một phần trách nhiệm của chính người bị nhiễm!
Ba trường hợp nêu trên đã nhiễm HIV trên 10 năm, nay vẫn khỏe mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường, vì họ đã được điều trị bằng loại thuốc kháng vi-rút ARV(Anti-retrovirus). Các bác sĩ khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết: “Các trường này khi bước vào điều trị thì số lượng tế bào CD4<200 tế bào/mm3 sau thời gian điều trị nay lượng CD4 của 3 người đã lên 900-1.100 tế bào/mm3”(số lượng CD4 ở người lớn bình thường là 500-1.500 tế bào/mm3).
Theo đánh giá của chúng tôi, ngoài việc các nhà chuyên môn, các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đã nỗ lực không ngừng để kiềm chế sự gia tăng HIV/AIDS trong nhiều năm qua và đã thu được kết quả như đã nêu. Tuy nhiên, người có HIV/AIDS vẫn bị “kỳ thị và phân biệt đối xử” và các loại dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe hay chữa trị cho người có HIV/AIDS chỉ mới thực hiện ở nhóm nguy cơ cao.
Thay lời kết: Giám đốc UNAIDS nhấn mạnh HIV/AIDS vẫn là thách thức sống còn của thời đại. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS mới trên toàn cầu đã giảm 25% trong 10 năm qua, số người tử vong vì HIV/AIDS đã giảm 20% trong 5 năm qua và 6,6 triệu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã được tiếp cận các liệu pháp điều trị HIV/AIDS. (Bài viết này có sử dụng nguồn của HAIVN, Cục Phòng chống HIV/AIDS, TTXVN/Vietnam+)
Sỹ Hoàng